Sa đà vào chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ phải lo ngại vì Mỹ bất ngờ “áp” sát sườn?
Mỹ đang nỗ lực phát triển chiến lược an ninh sôi động với láng giềng sát sườn của TQ. Đây được coi là động thái gây áp lực trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung leo theo vì thương chiến.
Mỹ tiến gần đến với Mông Cổ
Song song với việc Lầu Năm Góc thực hiện các chiến lược đối phó Trung Quốc và Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gặp gỡ người đồng cấp Mông Cổ vào ngày 8/8.
Reuters (Anh) nhận định, trên bản đổ, Mông Cổ bị kẹp giữa Nga và Trung Quốc, còn chuyến thăm của ông Esper là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến đất nước này kể từ năm 2014 đến nay. Điều này cho thấy, Mông Cổ sẽ là ưu tiên chiến lược của Lầu Năm Góc trong những thập kỷ tới.
Trong chuyến thăm này, Mông Cổ đã tiếp đón Bộ trưởng Mỹ với nghi thức truyền thống nổi bật nhất: Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ đã tặng một chú ngựa cho ông Esper.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm, Bộ trưởng Esper đã chia sẻ: “Mông Cổ rất quan tâm tới việc tăng cường hợp tác với chúng tôi [nước Mỹ] vì vấn đề vị trí địa lý cũng như chính sách “hàng xóm thứ ba” của họ. Tất cả những điều này là nguyên nhân tôi sẽ tới thăm và triển khai tiếp xúc với họ”.
Theo Reuters, Mông Cổ kỳ vọng nhận được đầu tư từ Mỹ và các quốc gia được coi là “hàng xóm thứ ba” khác nhằm giúp nước này giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ đánh giá: “Họ [Mông Cổ] là một đồng minh tốt vượt quá mong đợi. Tôi nghĩ Bộ trưởng Esper muốn xác nhận điều này và xem liệu nó có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác này hay không”.
Ông này cũng tiết lộ, chuyến thăm của Bộ trưởng Esper không nhằm thúc đẩy bất kỳ kế hoạch cụ thể nào nhưng Mỹ đang tích cực xem xét mở rộng quan hệ song phương, các lĩnh vực như huấn luyện quân sự là những lựa chọn khả thi.
Tạo áp lực sát sườn Trung Quốc
Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Mông Cổ, Tổng thống Donald Trump đã hội kiến Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga tại Washington vào cuối tháng trước 31/7.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, mối quan hệ giữa Mỹ và Mông Cổ sẽ được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt, tuyên bố này đề cập đến mối quan hệ giữa Mông Cổ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Afghanistan, Iraq v.v… nhưng không nhắc tới về mối quan hệ với láng giềng sát sườn Trung Quốc và cũng không đề cập đến việc nước này sẽ đầu tư vào lĩnh vực đất hiếm ở Mông Cổ.
Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định, Mông Cổ là “đối tác an ninh quan trọng và đang hợp tác với Mỹ để duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Nhà Trắng cho biết với tư cách là đối tác an ninh quan trọng của Mỹ, Mông Cổ và Mỹ có “mối quan hệ an ninh sôi động” và hai nước đang xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn cho tương lai.
Được biết, đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Battulga kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mông Cổ vào năm 2017. Tạp chí Phố Wall (Mỹ) cho biết, lời mời Tổng thống Battulga thăm Washington là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm gây áp lực lên Trung Quốc và Nga bằng cách cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự cho các quốc gia khác nhau trong khu vực.
CNN cũng dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ tiết lộ, Tổng thống Trump hy vọng phát thông điệp tới Trung Quốc và Nga bằng cách mời Tổng thống Mông Cổ đến thăm Mỹ. Quan chức này nói rằng, Mông Cổ nằm giữa Trung Quốc và Nga và là “nơi lý tưởng để lắng nghe và thiết lập quan hệ chiến lược”. Ông này nói rằng, thật khó để tìm thấy một đất nước nào khác để xây dựng mối quan hệ chiến lược tốt hơn Mông Cổ.
Đáng chú ý, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Battulga và chuyến thăm Mông Cổ của Bộ trưởng Esper trùng với thời điểm mối quan hệ Trung-Mỹ leo thang căng thẳng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.
Theo các quan chức chính phủ Mỹ, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Mông Cổ đã thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước và đầu tư khai thác của Mỹ ở Mông Cổ, bao gồm cả đất hiếm. Nước cờ này được cho nhằm giúp Mỹ giải bài toán khó khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Bởi nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm, các ngành công nghiệp liên quan đến đất hiếm của Mỹ dự kiến sẽ không thể cung cấp sản phẩm theo nhu cầu. Trong khi Mông Cổ dồi dào về tài nguyên năng lượng, khoáng sản và có trữ lượng đất hiếm nhất định nhưng việc thăm dò và phát triển quy mô lớn chưa được thực hiện toàn diện.
Theo Khảo sát Địa chất Mỹ năm 2009, trữ lượng đất hiếm của Mông Cổ đạt 31 triệu tấn, chiếm 16,77% tổng trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Đây là quốc gia khai thác khoáng sản đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
(Theo Soha News)