“Rút ống thở của cha mẹ” hay “rút ống thở” niềm tin?
Dù mới xuất hiện tại Việt Nam, tin giả (fake news) đã trở nên khá quen thuộc với những cụm từ kiểu “các mẹ đã biết gì chưa” hay “ông chú Viettel”. Nhưng vụ việc “rút ống thở của ba mẹ nhường máy thở cho sản phụ” có lẽ sẽ là sự kiện tin giả lớn nhất và hạ màn nhanh nhất trong năm.
Lớn bởi sức ảnh hưởng của nó tới nhiều nhà báo – những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (Key Opnion Leader – KOL). Tin giả này cũng hạ màn chỉ sau chưa đầy một đêm khi các KOL khác chỉ ra những bất hợp lý của nó và cơ quan chức năng vào cuộc phủ nhận tính xác thực của các thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Vụ việc có thể tóm tắt như sau, tối 7/8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, tự nhận là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định “nhường đi chiếc máy thở” của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần.
“Bác sĩ Trần Khoa” sau đó đã “kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này”. Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.
Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Nhưng tại sao, tin giả như thông tin “rút máy thở của ba mẹ nhường cho sản phụ” lại “thật” đến mức nhiều nhà báo sẵn sàng quên đi nguyên tắc xác thực thông tin, nhiều người trưởng thành sẵn sàng quỳ lạy vị tự nhận là bác sĩ Khoa kia… để ngưỡng mộ.
Trong một bài báo đăng trên website turnitin.com vào tháng 8/2020 về tin giả, tác giả liệt kê 4 lý do mà tin giả lại hấp dẫn đến thế. Đầu tiên là cách tin giả lan truyền. Phương tiện phổ biến nhất để phát tán tin tức giả là mạng xã hội. Hình thức truyền từ người này sang người khác không chỉ cực kỳ nhanh chóng mà còn tạo ra sự tin cậy (do nhiều người tham gia phát tán là những người có uy tín, KOL).
Thứ hai là định kiến của chính người dùng mạng xã hội. Trên mạng xã hội, người dùng có xu hướng giao tiếp nhiều hơn với những người đồng quan điểm. Như vậy, khi bắt gặp một tin giả lại phù hợp với suy nghĩ của mình (định kiến) thì họ tin ngay.
Thêm nữa, tin giả thường không có bằng chứng nhưng lại có cái kết đẹp, một cái gọi là “happy ending” khiến tin giả hấp dẫn và thú vị hơn cũng như thu hút nhiều sự quan tâm của những người dùng mạng xã hội nhiều hơn.
Cuối cùng thì tin giả thường giật gân với những câu chuyện gây sốc. So sánh việc “rút ống thở của cha mẹ” trên mạng xã hội và những thông tin đếm ca nhiễm trên báo chí là thấy.
Tóm lại, các tác giả cho rằng tin giả không muốn người đọc phải suy nghĩ và những câu chuyện đơn giản nhưng giật gân, phù hợp với định kiến của một số người nên khiến họ có vẻ “mờ mắt” và tin ngay lập tức mà không cần nghĩ ngợi sâu xa.
Trở lại Việt Nam, có nghiên cứu cho thấy, một trong những đặc điểm của người Việt là sống tình nghĩa. Đây thực ra là một cách nói khác của duy tình, trọng tình. Mà đã duy tình thì không trọng lý. Có vẻ một bộ phận lớn người Việt không có đầy đủ tư duy duy lý, để phân tích nguyên nhân của sự việc, đặt câu hỏi tại sao.
GS Josh Introne (Đại học Syracuse, bang New York, Mỹ) cho rằng, truyền thông xã hội được thiết kế để giúp chúng ta dễ dàng tương tác với thế giới bạn bè và những người kể những câu chuyện “hay nhất”, bất kể độ xác tín như thế nào, có xu hướng được lan tỏa rộng hơn.
“Điều gì còn nguy hiểm hơn cả virus SARS-CoV-2? Đó chính là tin giả. Tin giả đang lừa gạt khắp nơi, khiến chúng ta không biết đâu là đúng sai, mất niềm tin vào con người, cuộc sống”, nhóm nhạc Da LAB chia sẻ trên fanpage vào năm 2020 khi khởi đầu chiến dịch chống tin giả bằng… nhạc rap.
Thực ra có rất nhiều cách để “nói Không” với tin giả nhưng cách hiệu quả nhất là luôn đặt câu hỏi. Tại sao bệnh nhân Covid-19 “cha mẹ” lại điều trị cùng sản phụ? Tại sao một bác sĩ lại có quyền rút ống thở của bệnh nhân (dù là cha mẹ mình) để dùng cho bệnh nhân khác? Tại sao sau chừng đó nỗi đau, vị bác sĩ kia vẫn bình thản post Facebook “chào ba, chào mẹ”. Và có thể tin tưởng được một Facebook toàn ảnh hoa lá, ngay cả việc bán mứt làm từ thiện cho bệnh nhân (trong một bài viết trước đó) cũng không xuất hiện hình ảnh người thụ hưởng – bệnh nhân?
Nhưng tại sao những câu hỏi tưởng chừng đơn giản này không được bật ra?
Câu trả lời có lẽ đến từ cuộc đua thông tin trên mạng xã hội (và đôi khi cả báo chí, hãy nhớ tin giả nhạc sĩ Trần Tiến qua đời trên một tờ báo vào đầu năm nay). Trên mạng xã hội, ai cũng muốn trở thành người đầu tiên đưa tin. Vì người đầu tiên đưa tin thì sẽ được những người khác chia sẻ (share), nhận được nhiều like, tim hơn. Người đầu tiên đưa tin sẽ tạo lập một danh tiếng vững chắc trên mạng. Người đầu tiên đưa tin… đôi khi chỉ thỏa mãn cái Tôi, hay nhận được một chút hormone Serotonin đến từ những lời khen tặng vốn miễn phí trên mạng.
Ngoài ra, người ta thường nói đến vai trò của cơ quan chức năng cũng như của báo chí. Những động thái tích cực, thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, báo chí góp phần giúp người dân xác định đâu là tin giả. Tuy nhiên, phản ứng từ cơ quan nhà nước thường chậm và có xu hướng “vỡ đập rồi mới be bờ”. Nên những người sử dụng mạng xã hội cần tự ý thức trách nhiệm của mình, để bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác.
Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” của Appota, Việt Nam có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội tương đương 73% dân số. Trong đó, thời gian trung bình mỗi ngày sử dụng di động đã tăng lên lên 5,1 giờ/ngày trong năm 2020.
Lý do đơn giản là tác động của dịch Covid-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội đã làm thay đổi thói quen sử dụng di động cũng như gia tăng thời gian tương tác với thế giới thông qua smartphone.
Giãn cách, nhan nhản những người “ở đâu ngồi yên ở đó” và họ chỉ biết tương tác với thế giới bên ngoài thông qua màn hình 5,5 inch. Và rất có thể thấy ngày mai, lại có một tin giả được lan truyền chỉ bởi vì “nghe xúc động” hay “người share bài này uy tín lắm”.
Đặc biệt, tin giả không chỉ được chia sẻ bởi những bà nội trợ, những bà mẹ bỉm sữa mà từ những KOL đình đám trên mạng xã hội. Từ đó, hậu quả của tin giả càng nguy hiểm hơn. Như trong ví dụ đầu bài, nếu cơ quan chức năng không tích cực, biết đâu lại xuất hiện một/một vài tài khoản nào đó nhận tiền để “hỗ trợ gia đình bác sĩ Trần Khoa” hay cao cả hơn là “mua máy thở cho bệnh viện”?
Như vậy, tin giả có thể làm mất niềm tin và cả tiền thật của nhiều người. Vậy nên, vụ tin giả “rút ống thở của cha mẹ” cần được làm rõ nguồn phát, những người liên quan góp phần tích cực lan truyền tin giả này để xử lý.
“Cuộc chiến chống Covid lại có thêm một số ‘nguồn tài trợ’ bất đắc dĩ”. Đó là câu đùa đắng ngắt sau mỗi lần báo chí thông báo xử phạt tung tin giả mà không ai trong chúng ta muốn nghe thêm.
Dương Tiêu