+
Aa
-
like
comment

Rừng tan hoang vì xã ‘linh động’ cho “dân có hoàn cảnh khó khăn” đốn cây

15/12/2019 08:34

Chính quyền địa phương ‘linh động’ cho người dân vào rừng đốn cây lấy gỗ làm nhà với lý do ‘dân có hoàn cảnh khó khăn’. Tuy nhiên, thực tế đã có hàng loạt cây gỗ lớn bị lâm tặc lợi dụng chặt hạ.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số gỗ tại hiện trường /// Ảnh: Đức Nhật
Lực lượng chức năng kiểm đếm số gỗ tại hiện trường

Từ phản ánh của bạn đọc về nạn phá rừng ở xã Đăk Hring (H.Kon Plông, Kon Tum), ngày 9.12 PV tìm cách tiếp cận hiện trường để ghi nhận sự việc.

Bãi tập kết gỗ khổng lồ

Ngay đầu thôn Ngọc Hoàng (xã Đăk Hring) có một đường mòn rẽ lên rừng. Men theo đường mòn này khoảng 800 m, PV phát hiện nhiều gốc cây vài người ôm đã bị cưa hạ chỉ còn trơ gốc. Bìa gỗ, mùn cưa nằm la liệt khắp nơi. Phần ngọn và một số phần gỗ không tận dụng được bị vứt ngổn ngang. Cách đó không xa, nhiều cây ở hai bên đường bị đốn hạ, cưa thành lóng dài nhưng chưa kịp xẻ và chuyển đi. Có những cây mới bị chặt hạ, lá còn xanh tươi, nhựa ứa ra.

Chiều 14.12, trao đổi với PV, ông Võ Sỹ Chung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết đã nghe Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plong  báo cáo về sự việc bằng… miệng. Tuy nhiên, ông Chung từ chối trả lời những vấn đề xung quanh đại công trường khai thác gỗ lậu, với lý do “đang bận tiếp khách”.

Đi tiếp khoảng 200 m, “đại công trường” khai thác gỗ lậu bắt đầu xuất hiện. Hàng chục hộp gỗ xẻ nằm la liệt bên đường mòn. Có một nhóm lâm tặc đang tời gỗ (kéo gỗ bằng dây cáp) từ dưới suối lên. Tiếng máy nổ tời gỗ vang động cả cánh rừng. Cứ sau 20 phút, một hộp gỗ lại được kéo lên từ dưới suối. Những hộp gỗ có chiều dài hơn 2 m, rộng 0,5 m và dày 0,2 m nằm ngổn ngang xung quanh máy tời. Theo tìm hiểu của PV, gỗ được lâm tặc đốn hạ, xẻ ra từ nhiều địa điểm khác nhau, sau đó thả theo suối đến địa điểm tời kéo lên để chuyển ra ngoài.

Một thân gỗ lớn bị lâm tặc bỏ lại

Trong vai dân đi hái lan rừng, chúng tôi tiếp cận người đang trực máy tời ở đây. Người này cho biết nhóm đang khai thác gỗ để… làm nhà và việc khai thác này đã “xin phép” chính quyền địa phương (?). Tuy nhiên, chỉ sau đó ít phút, do thấy động, người này liền thông báo cho nhóm đang làm việc dưới suối rời khỏi rừng.

PV tiếp tục men theo các đường xương cá để ghi nhận thêm về hình ảnh phá rừng thì xuất hiện một người đàn ông bám theo để dò xét. Sau một hồi “cắt đuôi”, PV mới thoát khỏi sự đeo bám của người đàn ông này. Rẽ vào một đường xương cá trong rừng, PV phát hiện thêm nhiều gốc gỗ bị đốn hạ với dấu vết còn rất mới. Xung quanh là hàng chục gốc cây dấu vết cưa đã cũ, chồi vươn lên che mặt gốc. Tất cả không hề có dấu kiểm tra của đơn vị chủ rừng…

Những hộp gỗ mới bị xẻ chưa kịp đưa về nơi tập kết

Chính quyền “linh động” hay buông lỏng, tiếp tay (?!)

Khu vực rừng bị tàn phá nằm ở tiểu khu 387, 388 (làng Ngọc Hoàng, xã Đăk Hring), thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông quản lý. Điều đáng nói, khu vực rừng bị phá chỉ cách tỉnh lộ 676 khoảng hơn 1 km, cách trạm bảo vệ rừng khoảng 3 km, cách trụ sở UBND xã khoảng 7 km.

Trả lời PV, ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, thừa nhận đây là điểm nóng thường xuyên xảy ra phá rừng tại địa phương. Theo ông Mậu, bà con tại địa phương có cuộc sống khó khăn, không có điều kiện xây dựng nhà kiên cố nên thường lên rừng cưa gỗ về làm nhà. Người dân khi muốn làm nhà thì gửi đơn đến UBND xã xin phép rồi vào rừng cưa cây. “Tất nhiên, việc cưa cây là sai vì không có một cơ quan ban ngành nào cho phép, nhưng mình cũng “linh động” cho bà con”, ông Mậu nói.

Tuy nhiên, khi cùng đoàn công tác đi kiểm tra tại hiện trường, ông Mậu khẳng định số gỗ này là một vụ phá rừng quy mô lớn. Bãi tập kết gỗ là do lâm tặc khai thác trái phép, chứ không phải gỗ do người dân cưa hạ để dựng nhà như nhận định ban đầu. Qua kiểm đếm chưa đầy đủ, cơ quan chức năng xác định có 98 hộp gỗ ở bãi tập kết, gồm các loại gỗ: dổi, xoan đào, hồng tùng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plong, cho hay hiện đơn vị đang quản lý hơn 55.000 ha rừng với gần 50 tiểu khu, trong khi lực lượng chuyên trách chỉ có 30 người. Lực lượng ít, địa bàn rộng khiến đơn vị gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi xin cảm ơn báo chí đã phản ánh về tình trạng phá rừng. Đơn vị sẽ cho kiểm tra lại, sai đến đâu xử lý đến đó. Ai vi phạm, sẽ tiến hành xử lý nghiêm”, ông Bình nói và cho biết sẽ xác minh, kiểm tra lại xem thực tế khối lượng rừng bị phá như thế nào, sau đó mới có hướng xử lý cụ thể.

Rừng tan hoang vì xã “linh động”
Những hộp gỗ dài hơn 2 m nằm ngổn ngang

Trong khi đó, ông Lê Hữu Có, Phó hạt kiểm lâm Kon Plông, cho biết mới nghe kiểm lâm địa bàn báo cáo qua điện thoại chứ chưa nắm được thông tin cụ thể. Hiện đơn vị đang yêu cầu kiểm lâm địa bàn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plong kiểm đếm, báo cáo cụ thể và “vẫn chưa xác định được rừng bị phá là do lâm tặc hay do người dân cưa gỗ làm nhà”. Nhìn nhận “không có cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền cho phép người dân khai thác gỗ để làm nhà”, nhưng ông Có lại vòng vo thêm: “Cái này cũng phải thông cảm vì người dân họ sống gần rừng, họ rất nghèo nên tận dụng một chút gỗ rừng. Nếu bảo người ta bỏ tiền ra mua vật liệu khác thay thế gỗ để làm nhà làm cửa, thì người ta không thể có nguồn lực. Đây là vấn đề tế nhị của người dân nghèo, thì mình cũng nên “linh động” cho người dân một chút”.

(Theo TNO)

Bài mới
Đọc nhiều