+
Aa
-
like
comment

Rưng rưng nước mắt những mẩu chuyện xúc động về “chiến binh áo trắng” giữa tâm dịch ở Hải Dương

27/02/2021 16:53

Kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), hàng nghìn y, bác sĩ đang căng mình góp sức cùng chính quyền và người dân Hải Dương chống dịch Covid-19. Với họ, mọi vất vả, khó khăn đều không có nghĩa lý gì vì hơn hết là sự bình an, sức khoẻ của toàn thể nhân dân.

3 anh, chị em trong một nhà cùng chống dịch

Điều dưỡng Nguyễn Danh Quang (SN 1995) đang công tác tại Khoa Khám bệnh và cấp cứu thuộc Bệnh viện Mắt và da liễu Hải Dương đã có mặt ở tâm dịch Covid-19 TP.Chí Linh từ những ngày đầu tiên thực hiện cách ly, phong toả. Đây là một trải nghiệm đặc biệt không thể nào quên của chàng tân binh ngành Y.

“Từ ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, tôi và các đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn tâm lý vững vàng cho những ngày dài chống dịch. Những ngày qua đối với tôi vô cùng ý nghĩa. Bởi ngoài việc được phục vụ người dân, tôi còn có cơ hội trau dồi kinh nghiệm và chuyên môn. Công việc tuy vất vả vì nhiều đêm liền không có giấc ngủ ngon nhưng bù lại, tôi đã hiểu được giá trị nhân văn, tình đoàn kết của người dân và đồng nghiệp… Tôi càng thêm yêu nghề hơn”, anh Quang chia sẻ.

Những câu chuyện xúc động về các “chiến binh áo trắng” giữa tâm dịch Covid-19 ở Hải Dương - Ảnh 1.
Tết này, anh Quang cùng các đồng nghiệp phải gác niềm vui riêng để chung tay cùng người dân chiến đấu tại tâm dịch TP.Chí Linh.

Gần 4 tuần sát vai cùng các y, bác sĩ chiến đấu giữa tâm dịch Chí Linh, anh Quang luôn nhận được sự động viên của bạn bè, người thân để vững tin hoàn thành nhiệm vụ. Điều đặc biệt hơn cả là gia đình anh có 3 người cùng tham gia chống dịch.

Anh trai của Quang là bác sĩ Nguyễn Danh Sáng (SN 1990) hiện đang công tác tại Khoa Ngoại thuộc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng. Chị dâu là điều dưỡng Bùi Thị Chung (SN 1991) đang làm điều dưỡng tại Khoa Phụ khoa thuộc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. 3 người trong gia đình đều tham gia công tác chống dịch Covid-19 từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay.

Năm nay là Tết đầu tiên anh Quang không đón năm mới cùng gia đình, người thân. Không có những buổi liên hoan với bạn bè, không được nhận lì xì mừng tuổi của cha mẹ mà chỉ có những cái ngoắc tay, lời động viên “cố gắng lên” của các đồng nghiệp.

Chia sẻ câu chuyện đón Tết ở tâm dịch, anh Quang không giấu nổi niềm xúc động khi nhớ lại câu nói của mẹ chúc vào đêm 30 Tết: “Chống dịch hơn chống giặc, các con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé!”. Đối với Quang, đó là lời dặn dò đầy yêu thương của mẹ dành cho các con như một sự tiếp sức mạnh mẽ, vô giá để anh cùng các đồng nghiệp vững tin vượt qua khó khăn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Những câu chuyện xúc động về các “chiến binh áo trắng” giữa tâm dịch Covid-19 ở Hải Dương - Ảnh 2.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Tết này dù không có quà cũng chẳng có hoa nhưng món quà lớn nhất của hàng nghìn y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế là được nhìn thấy các bệnh nhân khỏe mạnh và sớm xuất viện. Ngày ngày, họ vẫn miệt mài với công việc của mình cho dù còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Bởi với họ, lời thề “lương y như từ mẫu” đã trở thành lẽ sống, niềm tin, là tôn chỉ cho công việc của mình. Mỗi bệnh nhân đều được họ chăm sóc, thương yêu như người thân  mình.

“Hết dịch, cả nhà cùng lên thăm Lăng Bác con nhé”

Y sĩ Phạm Thị Bích Ngọc đang công tác tại  Khoa Y tế công cộng thuộc Trung tâm Y tế TP. Chí Linh (Hải Dương) cũng đang ngày ngày thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch này.

Hàng ngày, chị Ngọc cùng đồng nghiệp di chuyển hàng trăm km để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Với chị Ngọc, điều đáng sợ nhất không phải là nguy cơ nhiễm Covid-19, cũng không sợ bị kỳ thị khi người quen nhìn thấy thì kiếm cớ tránh xa mà chị sợ cái cảm giác khó chịu, bức bối khi phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ, sợ mỗi khi nhận được thông tin có thêm ca nhiễm Covid-19 mới.

Những câu chuyện xúc động về các “chiến binh áo trắng” giữa tâm dịch Covid-19 ở Hải Dương - Ảnh 3.
Dù khó khăn, vất vả nhưng các y, bác sỹ luôn vững tâm để chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Chồng của chị Ngọc hiện là giáo viên Trường THPT Phả Lại. Khi dịch bùng phát, trường học trở thành khu cách ly tập trung, chồng chị tình nguyện ở lại để chống dịch.

Vợ chồng chị có 2 người con. Cháu lớn là sinh viên năm thứ nhất, cậu con trai thứ 2 đang học lớp 2. Tết này, các con tự chăm sóc nhau ở nhà và không được vui Tết cùng cha mẹ khiến vợ chồng chị không khỏi chạnh lòng. Mỗi khi có ít phút thời gian gọi điện, các con chị, nhất là cậu út vẫn tỏ ra giận dỗi vì phải xa bố, mẹ nhiều ngày.

Khi ấy, chị Ngọc không thể kìm lòng, nhưng vì nhiệm vụ, anh chị đành chấp nhận. “Con ở nhà với chị ngoan con nhé. Hết dịch, cả nhà mình cùng lên thăm Lăng Bác con nhé…!”, lời chị Ngọc nhắn nhủ con trai.

Cảm ơn lắm những “chiến binh áo trắng” quả cảm!”Các bác sĩ thân mến. Chắc các bác đang làm việc mệt lắm. Các bác hãy cố gắng chống dịch Covid-19. Con hứa, con sẽ đeo khẩu trang, rửa tay, ở trong nhà, ăn đủ chất, tập thể dục. Mong các bác làm việc tốt để về nhà với em bé của nhà bác”

Đó những nhừng dòng thư ngây ngô, mộc mạc đến đáng yêu của em Nguyễn Minh Long, học sinh lớp 2B Trường tiểu học và THCS Thái Học, TP.Chí Linh gửi đến các y, bác sĩ đang ngày đêm căng mình chống dịch.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Mạc Thị Lê (mẹ của Long) cho biết, qua những hình ảnh trên truyền hình, Long tự cảm nhận được nỗi vất vả của các y, bác sĩ. Cháu nói: “Mẹ ơi, các bác sĩ khổ quá vậy mẹ. Con muốn viết một bức thư để cảm ơn các bác ấy!”.

Những câu chuyện xúc động về các “chiến binh áo trắng” giữa tâm dịch Covid-19 ở Hải Dương - Ảnh 4.
Bức thư xúc động các em nhỏ gửi đến y, bác sĩ đang trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Sáng hôm sau, Long dậy sớm, tự ngồi vào bàn học chuẩn bị giấy, bút. Những nét chữ nguệch ngoạc còn sai chính tả được viết ra từ một trái tim ngây thơ, trong trắng đã thể hiện lòng biết ơn, tình cảm chân thành của toàn thể người dân với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.

Đang tham gia phòng chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP.Chí Linh, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền không giấu nổi xúc động khi bất ngờ nhận được bức thư tay từ con gái Gia Linh.

“Mẹ ở bệnh viện một tháng con nhớ mẹ, con biết mẹ phải tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 suốt đêm, mẹ rất mệt nên con thương mẹ lắm, với lại lúc mẹ gọi cho con con thấy mẹ không có giường nằm nên rất lạnh. Con sẽ cố gắng học giỏi để mẹ không buồn, con chúc mẹ thật nhiều sức khoẻ”, Gia Linh viết.

Đọc thư mà chị rưng rưng nước mắt, chỉ mong được về nhà ngay để ôm chầm lấy con vào lòng nhưng vì nhiệm vụ, vì sức khoẻ của người dân, chị đành nén nỗi thương nhớ vào lòng. Chị nghẹn ngào dặn con: “Con gái ở nhà ngoan ngoãn, bình an, việc chống dịch đã có mẹ và các cô chú lo. Chờ mẹ về nhé con”.

Ngày 27/2, kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, hàng nghìn y, bác sĩ vẫn đang căng mình góp sức cùng chính quyền và người dân Hải Dương chống dịch bệnh Covid-19. Với họ, mọi vất vả, khó khăn đều không có nghĩa lý gì vì hơn hết là sự bình an, sức khoẻ của toàn thể nhân dân. Họ là những “chiến binh áo trắng” thầm lặng nhưng đầy quả cảm với tấm lòng nhân ái bao la.

Để ghi nhận đóng góp to lớn của những “chiến binh áo trắng”, sáng 27/2, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã gửi thư chúc mừng tới cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh nhà và các chuyên gia y tế, lực lượng tình nguyện viên ở khắc mọi miền Tổ quốc đã chung tay cùng người dân Hải Dương trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19.

Những câu chuyện xúc động về các “chiến binh áo trắng” giữa tâm dịch Covid-19 ở Hải Dương - Ảnh 5.
Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Hải Dương nhận hoa chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tặng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Bức thư của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương viết: “Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở tỉnh Hải Dương cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước, có thể nói đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế là một trong những lực lượng xung kích đi đầu. Các thầy thuốc đã trực tiếp làm nhiệm vụ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất, đó là điều trị cho bệnh nhân trong các bệnh viện, làm công tác lấy mẫu, xét nghiệm, phục vụ tại các khu cách ly tập trung, kiểm soát dịch bệnh tại các chốt… 

Tới các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, các khu cách ly, chốt kiểm soát phòng dịch trong những ngày qua, chúng tôi chứng kiến sự nỗ lực làm việc, cống hiến hết mình của các chiến sĩ quân đội, công an, dân quân, tự vệ, sinh viên tình nguyện… nhất là các nhân viên y tế, có đồng chí đã mãi ra đi do gặp tai nạn trên đường làm nhiệm vụ. 

Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hải Dương, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất và chúc các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng cao quý của mình, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong đại dịch Covid-19 nguy hiểm này”.

Tâm Đức/ Báo Dân Việt 

Bài mới
Đọc nhiều