Rừng Amazon cháy lớn, khói phủ đen bầu trời nhiều thành phố Brazil
Khu rừng nhiệt đới Amazon, vốn được mệnh danh là ‘lá phổi xanh’ của Trái đất, đang trải qua một năm khủng khiếp khi hứng chịu số vụ cháy rừng nhiều nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.
Nhiều nhà môi trường học cho rằng cháy rừng diễn biến phức tạp hiện nay phần lớn là do con người.
9.500 vụ cháy 1 tuần
Mới đây, Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết dữ liệu vệ tinh thu được trên khu vực Amazon cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, số vụ cháy rừng đã tăng 84% so với cùng kỳ năm 2018, với 75.000 vụ.
Con số này cao hơn cả năm 2016 – năm Amazon chịu cháy rừng “kỷ lục” với khoảng 68.000 vụ.
Đây cũng là năm có số vụ cháy rừng 8 tháng đầu năm nhiều nhất trong 10 năm qua khi INPE tiến hành các cuộc thống kê diện rộng bằng vệ tinh.
Đặc biệt chỉ trong tuần qua, INPE ghi nhận hơn 9.500 vụ cháy rừng lớn nhỏ trên toàn lãnh thổ Brazil, trong đó phần lớn là ở khu vực Amazon.
Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy, gần như toàn bộ bang Roraima – bang cực bắc của Brazil – đang chìm trong khói bụi dày đặc do cháy rừng.
Trong khi đó, các bang lân cận như Amazonas hay Rondonia đã ban bố tình trạng nguy cơ cháy rừng ở mức khẩn cấp.
Thậm chí thành phố São Paulo – nằm phía đông nam, cách xa rừng Amazon – cũng bị ảnh hưởng bởi lớp khói mù. Nhiều chuyên gia còn cho rằng khói từ Amazon là nguyên nhân chính dẫn đến vụ mất điện trong thành phố vào thứ 2 tuần này.
Không ai nhận trách nhiệm
Theo BBC, tình trạng cháy rừng trong mùa khô ở Brazil là điều thường gặp. Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, lờ đi những số liệu từ INPE và cho rằng đây cháy rừng và khói bụi chủ yếu do thói quen canh tác của nông dân thường nhờ lửa để làm sạch đất đai.
Cách đây không lâu, cũng chính Tổng thống Bolsonaro đã sa thải người đúng đầu của Viện INPE, đồng thời cho rằng diễn biến phức tạp về tình hình rừng ở Amazon chủ yếu do nhiều tổ chức thêu dệt như một đòn trả thù chính quyền của ông từ chối ủng hộ quỹ hoạt động cho họ.
Trong khi đó, nhiều nhà môi trường học cho rằng, tình trạng cháy rừng diễn biến phức tạp hiện nay phần lớn là do con người, mà trong đó tổng thống Bolsonaro phải nhận trách nhiệm hàng đầu.
Reuters dẫn lời Alberto Setzer – nhà khoa học của INPE – cho biết thời tiết vùng Amazon năm 2019 không quá khắt nghiệt, nếu không muốn nói là bình thường như mọi năm khi lượng mưa trong tháng mùa khô cũng chỉ thấp hơn mức trung bình một ít.
“Tuy nhiên mùa khô lại là điều kiện tốt giúp con người dùng lửa trong sản xuất, dẫn đến cháy rừng” – ông Setzer nói.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng số lượng rừng mà Brazil mất đi từ đầu năm đến nay đã tăng đột biến, cũng trùng với khoảng thời gian đầu nắm quyền của tổng thống Bolsonaro.
BBC ghi nhận, chủ trương của vị tân tổng thống này là ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo tồn thiên nhiên.
Nếu như trong 10 năm trở lại đây, các tổng thống Brazil thay phiên nhau siết luật để hạn chế phá rừng thì ông Bolsonaro lại chỉ trích những quy định cứng nhắc này. Theo ghi nhận, từ khi ông Bolsonaro nắm chính quyền, số vụ tịch thu gỗ lậu hay xét xử các tội phạm môi trường ở Brazil giảm rõ rệt.
INPE cho rằng số liệu thống kê của mình gần 10 năm qua chính xác đến 95%. Do có tác động trực tiếp đến việc bảo vệ rừng ở Brazil nên viện sẽ tiếp tục theo dõi dù gặp nhiều áp lực từ chính phủ.
Hiện tại, nhiều viện khoa học ở Brazil đang đứng về phía INPE, trong đó có cả Viện Hàn lâm khoa học Brazil.
Video: Rừng Amazon cháy kinh hoàng nhất lịch sử loài người
N.Cường