Rủi ro từ vốn viện trợ của Trung Quốc
Rất ít sự chú ý hướng đến vai trò của Trung Quốc như một nhà cung cấp viện trợ phát triển quốc tế, cũng như cách nước này sử dụng các khoản vay và viện trợ để tạo ra đồng minh phụ thuộc như thế nào.
Theo một bài viết đăng trên trang web của hãng tin tình báo địa chính trị Canada Geopolitical Monitor, một số người nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức hiện trạng. Nhưng thực tế là việc Bắc Kinh đảm trách những dự án phát triển lớn trên khắp châu Phi, châu Á và Nam Mỹ mang lại cách nhìn khác cho thế giới đang phát triển: Trung Quốc là lãnh đạo mới của phát triển toàn cầu, là lựa chọn thay thế cho những đòi hỏi chặt chẽ của những thể chế thường do phương Tây đặt ra.
Ở một số nơi, sự miễn cưỡng này là vấn đề văn hóa và tự hào quốc gia, còn ở chỗ khác thì đó là cách cần thiết để duy trì hoạt động của chế độ hiện tại. Trung Quốc hiểu điều này, nên các khoản vay của Trung Quốc thường không đi kèm điều kiện cải cách thể chế nào, vì thế rất hấp dẫn với lãnh đạo một số nước đang phát triển muốn duy trì quyền lực.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đằng sau hoạt động cung cấp tín dụng hỗ trợ phát triển của Trung Quốc, thể hiện rõ ràng trong trường hợp của đặc khu Hong Kong và Campuchia.
Theo Geopolitical Monitor, viện trợ của Trung Quốc cho các quốc gia khác từ lâu đã được sử dụng như một chiếc mặt nạ nhằm giành quyền kiểm soát kinh tế của quốc gia hay lãnh thổ nào đó. Nửa thế kỷ trước, Bắc Kinh cung cấp nước sạch giá rẻ cho Hong Kong để làm công cụ bảo đảm cho sự tuân thủ của thành phố này trong tương lai.
Năm 1960, Hong Kong và Bắc Kinh ký một thỏa thuận cho phép đại lục bán nước sạch với giá rẻ cho xứ cảng thơm. Về tự nhiên, Hong Kong không có tài nguyên đủ để cung cấp cho 7,3 triệu dân. Họ phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để cung cấp các mặt hàng thiết yếu, và nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu đến từ đại lục. Có được nguồn cung nước dư thừa, chính quyền Hong Kong dừng xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể giúp thành phố tự cung tự cấp.
Khi dân số tăng, sự phụ thuộc của Hong Kong cũng tăng theo. Giờ đây thành phố phải mua hơn 70% tổng lượng nước sử dụng từ đại lục. Những mặt hàng thiết yếu khác cũng tương tự. Hong Kong phụ thuộc vào khoảng 50% điện, hơn 90% thịt bò, thịt lợn và rau của từ đại lục.
Tình trạng này không chỉ kìm hãm sự phát triển các nguồn bền vững và hạ tầng cần thiết ở Hong Kong, mà còn đặt thành phố này vào tình trạng chính trị dễ bị tổn thương. Nếu đại lục dừng cung cấp, hậu quả mà Hong Kong phải gánh sẽ rất khủng khiếp.
Geopolitical Monitor đánh giá Campuchia rơi vào tình trạng tương tự. Nước này đang tiếp nhận các khoản vay hàng tỷ đô la từ Trung Quốc cho các dự án như cải tạo hay xây cảng nước sâu và làm đường lớn. Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng và bảo trì hầu hết các công trình hạ tầng mới của Campuchia.
Ngoài nhận được lãi từ các khoản cho vay, Trung Quốc còn thu về lượng kiều hối từ các doanh nghiệp do Trung Quốc sở hữu và vận hành hạ tầng. Những doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư nhiều tiền vào ngành du lịch Campuchia và mỗi năm thu hút hơn 1 triệu du khách Trung Quốc.
Dù các khoản đầu tư như vậy giúp cải thiện tổng sản phẩm quốc gia và mức sống của một số người Campuchia trong một khoảng thời gian, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có tiếp tục làm như vậy về lâu dài. Dòng tiền đó sẽ không giúp Campuchia có được một nền kinh tế bền vững.
Bình Giang/ Tiền Phong