Rủi ro pháp lý khi Đại học Quốc gia cho thu học phí cao gấp 40 lần quy định
Xu thế các trường đại học công lập đua nhau mở trường phổ thông, có hay không việc kinh doanh dịch vụ giáo dục trái luật cần được làm rõ.
Trong bài viết trước, Ai cho Đại học Giáo dục mở trường phổ thông, thu tiền gấp 40 lần trường công?, chúng tôi đã phân tích việc trường phổ thông công lập thu học phí cao như tư thục đang trái với các quy định nào.
Ở khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích tiếp các căn cứ pháp lý mà Đại học Quốc gia Hà Nội dựa vào đó để đồng ý đề xuất mức học phí phổ thông công lập cao hơn hàng chục lần so với quy định.
Qua đây, chúng tôi hy vọng góp phần làm sáng tỏ những bất cập của xu thế các trường đại học công lập đua nhau mở trường phổ thông.
Thiết nghĩ, vấn đề có hay không việc kinh doanh dịch vụ giáo dục trái luật đã đến lúc cần được làm rõ.
Học phí trường công tự đặt cao hơn quy định hàng chục lần
Năm học 2016-2017, Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 1/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức học phí cao nhất của bậc phổ thông công lập với chương trình đại trà là 80 nghìn đồng / học sinh / tháng.
Cũng năm học này, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý cho Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục thu học phí 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng, cao gấp 40 lần.
Ngày 8/7/2019, Hội đồng nhân dân thành phố vừa thông qua nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2019-2020.
Theo đó học phí cấp trung học cơ sở giữ nguyên, cao nhất là 155 nghìn đồng / học sinh / tháng; học phí trung học phổ thông công lập cao nhất là 217 nghìn đồng / tháng.
Tuy nhiên, 2 trường phổ thông trong trường đại học thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội được xác định là cơ sở giáo dục công lập, nhưng đều có mức học phí 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng, cao hơn hàng chục lần so với quy định.
Mới nhất là Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ vừa tuyển sinh khóa đầu tiên và đang tạm thu học phí 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng, cao hơn 20,6 lần quy định, chưa kể các khoản thu khác.
Theo văn bản số 653/ĐHNN-KHTC ngày 31/5/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ gửi Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thì 2 căn cứ để nhà trường trình mức học phí đề xuất cho Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ gồm:
Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy về việc thành lập trường;
Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/3/2013 và Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các trường công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Chúng tôi được biết, đến nay, khoản học phí 3,2 triệu / học sinh/tháng cho học sinh lớp 6 Trường Đại học Ngoại ngữ mới tạm thu 1 tháng, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa phê duyệt chính thức.
Nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng có tiền lệ duyệt học phí bậc trung học phổ thông cao hơn quy định.
Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý cho thu học phí phổ thông cao, trái với chính quy định trong các căn cứ pháp lý của mình
Ngày 24/10/2016, Đại học Quốc gia Hà Nội có văn bản số 3306/ĐHQGHN-KHTC gửi Trường Đại học Giáo dục về việc mức thu học phí của Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục [1]. Văn bản này viện dẫn, căn cứ theo 2 văn bản quy phạm pháp luật sau:
Thứ nhất là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Thứ hai là Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn thủ đô (theo Khoản 4, Điều 12, Luật Thủ đô).
Tuy nhiên việc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý cho Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục thu học phí 3,2 triệu đồng / tháng / học sinh trái với chính các quy định trong 2 văn bản quy phạm pháp luật này. Cụ thể:
Khoản 3, Điều 4 (khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông), Chương II, Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015, quy định:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
Khoản 1, Điều 1 (phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng), Chương I, Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quy định rõ:
Nghị quyết này quy định cơ chế thu, chi, quản lý thu, chi và các tài sản khác đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công nhận theo tiêu chí do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
Cả Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ lẫn Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục đều chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, nên không nằm trong đối tượng điều chỉnh của 2 nghị quyết nêu trên.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 19, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh bao gồm việc quyết định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục, đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật;
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 thì:
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật đối với: dịch vụ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (học phí).
Như vậy, việc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý đề xuất thu học phí Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục là không đúng thẩm quyền, thẩm quyền việc này thuộc về Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Trường Đại học Ngoại ngữ có văn bản số 653/ĐHNN-KHTC ngày 31/5/2019 gửi Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội để “báo cáo và xin ý kiến” mức thu học phí 3,2 triệu đồng / học sinh / tháng là không đúng với các quy định nêu trên của pháp luật.
Đề xuất trên là không có cơ sở pháp lý, mà chỉ có “tiền lệ” không đúng quy định của pháp luật.
Hơn nữa, Luật Giáo dục hiện hành chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục công lập và tư thục, không có cái gọi là “cơ sở giáo dục chất lượng cao” hay chương trình chất lượng cao.
Theo tác giả Quang Anh, Báo Điện tử Zing.vn, ngày 18/2/2017 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, ông Chung được Zing.vn dẫn lời, cho biết. [3]
Thiết nghĩ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nên lưu tâm đến thông tin này.
Rủi ro pháp lý
Theo phân tích của Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh trong tham luận tại Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập – Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước” tháng 3/2019:
Công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài chính ở các cơ sở giáo dục đại học công lập khi chuyển sang cơ chế tự chủ là kế toán, kiểm toán và hệ thống kiểm soát nội bộ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hệ thống pháp luật về các chế độ kế toán (chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán) và hệ thống các chuẩn mực kế toán, kiểm toán áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ vẫn đang trong tình trạng thiếu hoặc chắp vá “nham nhở” và pha tạp giữa chế độ kế toán doanh nghiệp với chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Do vậy, ranh giới giữa sai và đúng trong hoạt động quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập rất mờ nhạt.
Lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ luôn trong tình trạng đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ bị chế tài khắc nghiệt nhất, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, do vận dụng linh hoạt các nguyên lý tự chủ tài chính trong Luật Giáo dục đại học 2012 và Nghị quyết 77/NQ-CP.
Thiết nghĩ đã đến lúc Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải xem lại và điều chỉnh các khoản thu trái quy định nói trên để đảm bảo làm đúng các quy định của pháp luật.
(Theo Giáo Dục Việt Nam)