RSF lại dựng trò hề vu khống Việt Nam
Đến hẹn lại lên, vừa qua tổ chức Phóng viên không biên giới – RSF lại tiếp tục đưa ra cái gọi báo cáo tình hình thế giới năm 2020 về báo chí. Trong thông tin được RSF đưa ra, nhiều nội dung không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam.
RSF là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động dưới danh nghĩa bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của báo chí. Tuy nhiên, hoạt động thực tiễn của RSF lại đi ngược lại hoàn toàn tôn chỉ, mục đích được rêu rao. Dưới danh nghĩa thúc đẩy sự phát triển của báo chí, RSF đã cổ súy, nuôi dưỡng, làm điểm tựa cho nhiều đối tượng chống phá núp dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền. Không chỉ riêng với Việt Nam, RSF đã đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình tự do báo chí của nhiều nước trên thế giới. Bằng thủ đoạn đưa ra các bảng xếp hạng, bản phúc trình, bản báo cáo về vấn đề báo chí, RSF đã tìm cách can thiệp, thọc tay vào công việc nội bộ của nhiều nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề quản trị xã hội của chính quyền.
Tự do báo chí: tấm áo cà sa không làm nên thầy tu!
Hơn 10 năm về trước, “mùa xuân Arab” đã làm ảnh hưởng lớn đến cục diện chính trị thế giới. Nó được coi như một “trận can qua”, nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông lâm vào cảnh chiến tranh, đạn lạc. Đánh giá về nguyên nhân của vấn đề này, cùng với những mâu thuẫn âm ỉ ngay trong lòng xã hội các quốc gia sở tại, một nguyên nhân lớn khác là do hoạt động tuyên truyền, giao giảng những luận điệu sai lệch về cái gọi là “tự do”, “dân chủ”, nhân quyền.
Thực tế cho thấy chiến lược “diễn biến hòa bình” (Peaceful evolution), còn có tên gọi khác nhau, như: “Chuyển hóa hòa bình” (Peaceful change), “Biến đổi hòa bình” (Peaceful transformation), “Cạnh tranh hòa bình” (Peaceful competition)… đang là một thủ đoạn được sử dụng để chống phá lực lượng lãnh đạo, làm thay đổi thể chế chính trị của một số quốc gia. Trong đó, báo chí, truyền thông “lề trái” được tận dụng triệt để để tuyên truyền những thông tin sai lệch, hình thành nên nhận thức phiến diện, thiếu chính xác về các vấn đề chính trị, xã hội, dân chủ, nhân quyền. Đây là một bước đi nhằm đánh thẳng vào nhận thức của người dân, từ đó gieo rắc những mầm mống của sự hoài nghi, tạo ra sự tự diễn biến, tự chuyển hóa ngay trong lòng nội bộ các quốc gia.
Không chỉ dừng lại ở đây, một số tổ chức phi chính phủ đã được thiết lập, hoạt động dưới vỏ bọc thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền để làm công cụ tác động, tấn công, chống phá các quốc gia. Đơn cử như RSF, đây là một tổ chức thường xuyên sử dụng vỏ bọc thúc đẩy tự do báo chí để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Hằng năm, tổ chức này đều đưa ra cái gọi là Bảng xếp hạng tự do báo chí để đánh giá về tình hình báo chí của các quốc gia. Đồng thời, tổ chức này cũng liên tiếp đưa ra những báo cáo, khuyến nghị, đánh giá, kiến nghị liên quan đến vấn đề tự do báo chí nhằm gây sức ép cho chính quyền một số nước.
Những đánh giá phiến diện về tình hình tự do báo chí của Việt Nam
Đối với Việt Nam, báo chí cũng là một lĩnh vực đang được các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị cũng như các thế lực thù địch tận dụng và biến thành một mặt trận để tấn công chính quyền. Dưới sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức phản động nước ngoài, một số hội nhóm núp dưới danh nghĩa báo chí đã được thiết lập trái pháp luật để thực hiện các hoạt động chống đối. Cùng với đó, một loạt “nhà báo tự phong” cũng đã được sản sinh ra và trở thành “tay đấm” chống phá nền hòa bình, ổn định của dân tộc.
Như đã đề cập từ ban đầu, vừa qua RSF tiếp tục đưa ra những nhận định sai lệch về tình hình tự do bao chí của Việt Nam như: Việt Nam bị xếp hạng thứ 5 trên thế giới về kỷ lục bắt giam các nhà báo; Chính quyền Việt Nam đang sử dụng những tội danh hình sự “mơ hồ” như “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu… nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thường được đưa ra để truy tố và kết án các nhà báo và bloggers yêu nước… Cùng với đó, RSF tiếp tục đưa ra yêu sách đề nghị Việt Nam phải “trao trả tự do vô điều kiện” cho các đối tượng chống phá và kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Việt Nam.
Những luận điệu được đưa ra là hoàn toàn phi thực tế. Tại Việt Nam, quyền tự do báo chí luôn được thừa nhận và bảo đảm. Bất kỳ ai cũng có quyền được tự do tiếp cận thông tin, tự do chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, quyền lợi của công dân luôn luôn gắn chặt với nghĩa vụ. Theo đó, tất cả mọi người phải chấp hành nghiêm chính hiến pháp và pháp luật; mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý tương xứng.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có sự phát triển của mạng internet nhanh nhất thế giới. Cùng với đó, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tự do thông tin, tự do báo chí. Rõ ràng, nếu tại Việt Nam không có tự do bao chí và tự do thông tin thì mạng xã hội đã không thể có “đất” phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ đến như vậy. Mọi luận điệu vu khống Việt Nam ngăn chặn tự do báo chí, mọi thông tin vu khống chính quyền Việt Nam ngăn chặn, xử lý các “nhà báo” chỉ vì nguyên nhân “bất đồng chính kiến” là những thông tin độc hại, sai trái, phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả