+
Aa
-
like
comment

“Rồng lửa” S-300 cấp cho Ukraine chưa kịp ‘phun lửa’ thì đã bị Nga phá hủy

11/04/2022 20:20

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã sử dụng tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển phá huỷ các hệ thống S-300 mà “EU cung cấp” cho Ukraine trong tuần trước.

Đài RT dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/4 cho biết các lực lượng Nga đã phá hủy các bệ phóng phòng không S-300 do nước ngoài cung cấp trong một số cuộc không kích chính xác vào Ukraine. Vài ngày trước đó, Slovakia thông báo viện trợ một dàn tên lửa phòng không S-300 cũ do Liên Xô sản xuất cho Kiev.

Trong cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động quân sự đang diễn ra ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Nga đã tấn công một nhà chứa máy bay “ở ngoại ô phía nam thành phố Dnepropetrovsk”, nơi cất giữ “thiết bị từ một khẩu đội S-300 do một trong các quốc gia châu Âu cung cấp cho Ukraine”.

Nga cho biết sử dụng tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển phá huỷ các hệ thống S-300 của Ukraine trong ngày 11/4. Ảnh minh hoạ NPR

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố, loạt tên lửa Kalibr phóng từ biển đã phá hủy 4 bệ phóng S-300 và làm 25 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 11/4. Ông Konashenkov sử dụng tên cũ của thành phố Dnepropetrovsk mà chính quyền Ukraine đã đổi tên thành Dnepro vào năm 2016.

Quan chức Nga cũng thông báo đã phá hủy một radar nhắm mục tiêu của S-300 trong một cuộc không kích chính xác khác gần Uspenovka. Vị tướng này không nói rõ ông đang đề cập đến ngôi làng nào trong số nhiều ngôi làng có tên đó ở Ukraine và cũng không cho biết liệu radar có phải là một bộ phận của khẩu đội tên lửa do nước ngoài cung cấp hay không.

Hôm 9/4, Slovakia vừa thông báo họ đã tặng tổ hợp S-300 duy nhất của mình cho Ukraine. Hệ thống vũ khí này là một phần di sản từ thời Khối Hiệp ước Warsaw, khi Slovakia là một phần của Tiệp Khắc. Không rõ có bao nhiêu phương tiện đã được gửi đến Ukraine. Một khẩu đội S-300 thông thường có từ 4 đến 12 bệ phóng sử dụng một radar duy nhất để xác định mục tiêu và được điều khiển bởi một đài chỉ huy duy nhất.

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger tuần trước tuyên bố, nước này đã chuyển giao hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất cho Ukraine. Tuy nhiên, Slovakia phủ nhận S-300 mới bị phá hủy là hệ thống tên lửa do nước này chuyển cho Ukraine.

Thủ tướng Eduard Heger nhấn mạnh việc “tặng” hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 duy nhất của Slovakia cho Ukraine không đồng nghĩa với việc Slovakia tham gia vào cuộc chiến chống Nga, đồng thời khẳng định hệ thống này “hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ”.

S-300 là hệ thống phòng thủ tên lửa có thể hạ gục các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến thuật tối tân được trang bị công nghệ tàng hình. S-300 cũng có thể đánh chặn các tên lửa hành trình Tomahawk – một trong những vũ khí tấn công chủ lực trên các tàu khu trục của Mỹ. Ngoài ra, S-300 cũng đủ khả năng đối phó với các tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 2.500 km.

“Rồng lửa” S-300 đã trải qua một số lần nâng cấp và cải tiến trong nhiều năm qua. S-300 có thể phá hủy mục tiêu ở khoảng cách tối đa 195 km, tùy thuộc vào loại tên lửa phòng không sử dụng.

Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ đã gửi hệ thống Patriot để thay thế hệ thống S-300 do Slovakia, một đồng minh NATO ở Trung Âu, gửi cho Ukraine, đồng thời đảm bảo an ninh của Slovakia.

Nga tuyên bố phá hủy Rồng lửa S-300 do đối tác châu Âu cấp cho Ukraine - 1
Hệ thống phòng không S-300 (Ảnh: RT).

Washington cũng muốn một thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện một thỏa thuận tương tự với Ukraine và chuyển cho Ukraine tên lửa S-400, loại tên lửa tiên tiến hơn S-300. Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ ý tưởng này. Năm 2020, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống S-400 từ Nga theo một thỏa thuận được ký vào năm 2017.

Giới chức Mỹ hôm 6/4 thông báo sẽ viện trợ các tên lửa chống tăng Javelin tổng trị giá 100 triệu USD cho Ukraine cùng với gói viện trợ 300 triệu USD để giúp Kiev tăng cường năng lực phòng thủ.

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, lực lượng quân sự nước này đã bắn rơi 2 máy bay Su-25 của Ukraine gần thành phố Izium và phá hủy 2 kho đạn, một trong số đó ở gần thành phố Mykolaiv, miền Nam Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố thiệt hại quân sự của Ukraine kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự.

“Các mục tiêu sau đã bị tiêu diệt kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt: 129 máy bay, 99 trực thăng, 243 hệ thống tên lửa đất đối không Osa AKM, Buk-M1, S-300, 441 máy bay không người lái, 2.079 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 239 hệ thống rocket phóng loạt, 909 pháo dã chiến và súng cối, cùng 2.003 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.

(Theo Tass)

Bài mới
Đọc nhiều