Rơi nước mắt cảnh cán bộ y tế chờ xe dưới mưa đưa người đi cách ly
Hình ảnh cán bộ y tế ở Đà Nẵng ngồi dưới mưa chờ xe cấp cứu đến đưa người đi cách ly khiến cư dân mạng cảm động, đồng loạt chia sẻ, động viên các anh chị vững bước trên tuyến đầu chống dịch.
“Tôi chỉ lo họ gục ngã !”
Tài khoản đăng tải những hình ảnh này chia sẻ: “2 nam 1 nữ họ cứ bồn chồn hết đứng lại ngồi bệt xuống đất ướt nghỉ mệt. Họ gọi và chờ xe như vô vọng. Bởi… cháy xe! Đội xe chuyên dụng chở bệnh nhân bị quá tải khiến họ chờ từ chiều đến tối mịt. Dễ chừng đã gần 4 tiếng. Vẫn phải chờ xe không biết đến khi nào? Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi khiến trời đổ mưa. Đêm Đà thành như đặc lại lâm thâm bụi nước. Họ không thể bỏ cuộc. Hiện đã 20 giờ, chỉ lo họ gục ngã!”.
Những dòng chia sẻ này lập tức lan nhanh trên mạng. Rất nhiều người cảm thấy xót xa trước cảnh ngồi bệt dầm mưa của những “chiến binh” này. Tài khoản Cong Hoa Nguyen viết: “Họ là anh hùng. Mong các anh chị kiên cường đẩy lùi dịch bệnh…”. Còn tài khoản Binh Tan tin tưởng: “Người Việt Nam kiên cường trên mọi mặt trận, chúng ta sẽ chiến thắng…”.
Bên cạnh đó, cũng có những tài khoản đề xuất phương án “chia lửa” với lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Tài khoản Duong Linh cho biết: “Lực lượng y tế địa phương không nhiều, nay còn vất vả dưới mưa tôi sợ họ trụ không nổi. Nên chăng, điều động xe cấp cứu tư nhân hoặc xe hơi gia đình tham gia”.
Chiều 2.8, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Nguyên (64 tuổi, trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) xác nhận ông là người chụp những tấm ảnh này vào đêm 31.7 trong lúc quan sát lực lượng y tế làm nhiệm vụ tại căn nhà trên đường Châu Văn Liêm, kế bên nhà ông.
“Chứng kiến hình ảnh lực lượng phòng chống dịch đứng lên, ngồi bệt xuống đất giữa trời mưa, chờ đợi xe cấp cứu đến khiến chúng tôi vô cùng xót xa”, ông Nguyên chia sẻ và cho biết khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày thì xe cấp cứu đến và người dân được đưa lên xe đi cách ly tập trung theo đúng theo quy định.
Xe cấp cứu làm việc liên tục
Theo ghi nhận của PV, lực lượng ở tuyến đầu chống dịch thời gian qua vô cùng vất vả. Đơn cử như vùng ngoại ô H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đã lập 84 chốt kiểm soát dịch để ghi lại lịch trình, kiểm tra sức khỏe của người dân; xe cấp cứu phải liên tục quay đầu để đưa người đi cách ly.
Một lãnh đạo Trung tâm y tế H.Hòa Vang nhìn nhận những ngày đầu khi phát hiện ca dương tính trên địa bàn, lực lượng y tế xã phối hợp với xe cấp cứu của Trung tâm y tế huyện đưa các trường hợp F1 đi cách ly kịp thời. Tuy nhiên, khi các ca dương tính tăng nhanh và rải rác ở nhiều nơi, lực lượng y tế xã cũng như xe cấp cứu làm việc không xuể.
Bệnh nhân 429 tử vong, Việt Nam có 6 ca Covid-19 qua đời trên nền bệnh lý nặng
“Cán bộ y tế xã sẽ đến tuyên truyền, giúp những người là F1 chuẩn bị đồ đạc để đi cách ly. Tuy nhiên, Trung tâm y tế H.Hòa Vang chỉ có 1 chiếc xe cấp cứu nên không thể đón kịp thời được. Chúng tôi đã sử dụng xe công vụ, lắp vách ngăn để đưa người đi cách ly… nhưng việc cán bộ y tế đứng chờ xe là không thể tránh khỏi”, vị lãnh đạo này nói.
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho biết những ngày qua, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng, các lực lượng đã nỗ lực làm việc hết công suất. Theo bác sĩ Hồng, hiện tại tất cả nhân viên y tế và tài xế xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 đều làm việc hết mình. “15 xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 chạy liên tục cả ngày lẫn đêm làm nhiệm vụ chống dịch. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát…”, bác sĩ Hồng tâm sự.