Rộ tin Mỹ nắm trong tay hệ thống tên lửa phòng không trứ danh của Nga
Quân đội Mỹ được cho là đã thu giữ một tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir S1 còn nguyên vẹn của Nga và đưa về căn cứ quân sự ở châu Âu để nghiên cứu.
Theo nguồn tin trên tờ The Drive, quân đội Mỹ được cho là đã thu giữ một hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 từ tay lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) thân Nga vào năm 2020.
Thay vì phá hủy tổ hợp tên lửa Pantsir, Mỹ quyết định thu giữ và chở về căn cứ ở châu Âu. Điều này vừa ngăn các phiến quân và các nhóm khủng bố sở hữu tên lửa phòng không Nga, vừa giúp Mỹ hiểu rõ ưu nhược điểm của tên lửa Pantsir S1, phiên bản Nga sản xuất và xuất khẩu rộng rãi trên thế giới.
Theo nguồn tin, nhiệm vụ tuyệt mật được thực hiện vào tháng 6.2020. Một chiếc máy bay vận tải C-17A Globemaster III của không quân Mỹ âm thầm hạ cánh ở sân bay quốc tế Zuwarah, phía tây Tripoli.
Các đặc nhiệm Mỹ thu giữ tên lửa nhờ sự hỗ trợ của lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Phe tấn GNA tấn công áp đảo một sân bay thuộc quyền kiểm soát của phe LNA, tạo điều kiện để đặc nhiệm Mỹ đưa tổ hợp Pantsir S1 còn nguyên vẹn rời Libya.
Tổ hợp Pantsir S1 được Nga trang bị cho lực lượng LNA là phiên bản xuất khẩu do Nga sản xuất, với khung gầm dựa trên xe tải 8×8 KAMAZ-6560.
Quân đội Mỹ đã muốn thu giữ tên lửa phòng không Pantsir S1 từ năm 2019, khi máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bị bắn rơi bởi tên lửa Pantsir S1 ở Libya. Lính đánh thuê Nga được cho là đã trực tiếp điều khiển tổ hợp Pantsir S1 để bắn rơi máy bay không người lái Mỹ, thay vì kíp lái của phe LNA.
Chuyện gì xảy ra với tổ hợp Pantsir S1 sau khi được đưa đến căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở Đức là điều bí ẩn. Thông tin tình báo và công nghệ vũ khí Nga là điều rất có giá trị với Mỹ.
“Quan chức Nga biết Mỹ có thể đã thu giữ một tổ hợp Pantsir S1. Nhưng vấn đề này không đến mức quá lo ngại vì Nga cũng từng bán cho Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) các tên lửa Pantsir S1”, nguồn tin cho biết.
“Các phiên bản Pantsir S1 xuất khẩu đã được loại bỏ các thông tin nhạy cảm, ví dụ như tính năng nhận dạng toàn bộ các chiến đấu cơ Nga”, nguồn tin nói thêm.
Tuy nhiên, nắm trong tay một tổ hợp Pantsir S1 còn nguyên vẹn vẫn tốt hơn là trông cậy vào đồng minh UAE, theo The Drive. Các kỹ sư Mỹ có thể tháo tung tổ hợp tên lửa này để tìm kiếm thông tin giá trị, bao gồm cả các vật liệu Nga sử dụng để sản suất vũ khí và đánh giá chất lượng sản xuất, từ đó có một cái nhìn cụ thể về năng lực ngành sản xuất quốc phòng Nga.
Pantsir S1 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không nổi tiếng nhất của Nga. Các tổ hợp này đã lập nhiều chiến công, nhưng cũng không ít lần bị Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tiêu diệt.
Nguyên nhân có thể là do năng lực của kíp điều khiển và cách các lực lượng thân Nga sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không này trên chiến trường.
ĐĂNG NGUYỄN/DV