+
Aa
-
like
comment

RFA và những cá nhân ‘trở cờ’ lấy vi phạm cá nhân quy chụp cả nền giáo dục

Hoàng Chung - 18/11/2021 11:18

Từ xa xưa đến nay, giáo dục đào tạo luôn là quốc sách của một đất nước. Vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, phá hoại nền giáo dục nước nhà. Ngày 16/11, Đài Á Châu Tự DO (RFA) đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Vì sao giáo dục Việt Nam lại có những hiệu trưởng lộng quyền như vậy?” bộc lộ rõ âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ nền giáo dục Việt Nam.

GS. Nguyễn Đăng Hưng và PGS. Hoàng Dũng.

Mở đầu bài viết, RFA đã bàn về ngay một vụ việc đang được quan tâm thời gian gần đây. Đó là vụ việc bà Nguyễn Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TPHCM) bị giáo viên tố cáo có nhiều hành vi sai phạm trong công tác quản lý nhà trường. Vụ việc đang trong thời gian được cơ quan chức năng xác minh và làm rõ. Hiện tại, các phương tiện thông tin đại chúng đang đưa tin chủ yếu dựa vào các phản ánh của các thầy cô giáo ở nhà trường mà ít có những phản hồi, trả lời từ phía Hiệu trưởng. Vì vậy, vụ việc mà RFA nêu ra hoàn toàn chưa xác minh được thực hư, tính đúng sai. Ấy vậy mà RFA đã ngay lập tức dẫn lời PGS, TS Hoàng Dũng rằng “trường phổ thông quả nhiên xảy ra chuyện đó, cơ chế bây giờ ban cho hiệu trưởng có quá nhiều quyền lực, mà nó không có cơ chế để mà cân bằng quyền lực của hiệu trưởng. Những cái bề ngoài có thể cân bằng được thì thật ra nó chỉ là hình thức thôi, nó không đủ mạnh”. Dựa trên những lời lẽ này, RFA còn mạnh miệng bịa đặt “Hiệu trưởng giống như một vua con trong một cơ quan, chính quyền cho hiệu trưởng quyền vừa làm hiệu trưởng vừa làm bí thư, quyền sinh sát trong trường. Và thông thường, nếu hiệu trưởng làm sai thì các cấp chính quyền bao che luôn, rất khó xử lý”.

Luận điệu xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam của RFA.

Lướt qua những luận điệu trên, chúng ta đều nhận thấy chúng hoàn toàn vô lý, trái với sự thật. Hiệu trưởng được phân công quản lý, điều hành và duy trì nhà trường, có thể tự giải quyết một số việc nhất định trong phạm vi quyền hạn của mình nhưng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các phòng, sở giáo dục. Chưa kể những quy định của một nhà trường đều phải được cả Hội đồng sư phạm của trường biểu quyết thông qua. Vì vậy, mà hiệu trưởng không thể có quá nhiều quyền lực như RFA đã rêu rao. Hiệu trưởng chỉ là cá nhân phụ trách được tổ chức tín nhiệm giao cho những quyền hạn nhất định, là người đại diện cho các tổ chức có thẩm quyền giải quyết công việc.

Những vi phạm trong ngành giáo dục hoàn toàn là do cán bộ không vượt qua được cám dỗ, sa ngã vào con đường phi pháp mặc dù nhận thức rõ đúng sai. Vì vậy họ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Các cá nhân như Phan Thị Thuỳ Trang (Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cần Thơ), Trần Thị Liên (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, tỉnh Kiên Giang), Vũ Cảnh Phương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thanh 2, tỉnh Tuyên Quang) đều là những minh chứng cho tính nghiêm minh của pháp luật, có vi phạm ắt phải bị xử lý. Đồng thời, vụ việc của những “con sâu quấy rầu nồi canh” kia cũng là lời cảnh tỉnh, bài học răn đe cho những ai đang nhen nhóm vi phạm.

Chèo lái từ những vi phạm của một vài cá nhân trong ngành Giáo dục, RFA đã bôi nhọ, phản ánh sai lệch, bịa đặt cả con đường giáo dục của Việt Nam. Chúng trích dẫn những nhận định của GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng “Nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.”. Nhưng bản thân ông Hưng là một Việt kiều, không hề trực tiếp đồng hành cùng ngành giáo dục, thậm chí quay lưng bôi nhọ đất nước hết lần này đến lần khác. Một người chỉ lấy “thông tin” từ những trang mạng chống phá như ông Hưng liệu có thể đánh giá đúng nền giáo dục nước ta?

Cuối bài viết, RFA đã trơ trẽn đưa ra luận điệu xuyên tạc, sai sự thật về nền giáo dục nước ta rằng giáo dục Việt Nam “không phục vụ con người theo ý nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo”. Thật nực cười và vô lý làm sao. Nếu nền giáo dục Việt Nam mà như thế thì từ đâu ra những thành tựu khoa học như khả năng sản xuất hàng trăm loại vaccine “Made in Vietnam”, ở đâu mà có vệ tinh NanoDragon? Một nền giáo dục như thế liệu có thể làm nên những chính sách “không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”, những chiến lược phát triển kinh tế khiến cả thế giới ngưỡng mộ? Thiết nghĩ những kẻ vận hành trang mạng RFA đừng mang thứ tư duy dối trá của chính bản thân chúng để quy chụp, gán ghép cho đất nước này. Âm mưu thâm độc, hèn hạ dựa vào một số vi phạm trong ngành Giáo dục để rồi phản ánh sai lệch cả nền giáo dục nước nhà đã lộ rõ.

Hoàng Chung

Bài mới
Đọc nhiều