RFA lại phán loạn vụ Việt Á
Xung quanh vụ án công ty Việt Á, các đối tượng xấu, chống đối vẫn liên tiếp tung ra những luận điệu hướng lái phi lý, tiêu cực, đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, cho Nhà nước.
Vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công ty Việt Á đang gây phẫn nộ trong dư luận. Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Điều này cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn theo sát mọi vấn đề trong xã hội. Chắc chắn những người liên quan sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.
Ấy vậy nhưng “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”. RFA tiếp tục thể hiện cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam khi tung ra bài viết: “Vụ Việt Á: Ban Chỉ đạo trung ương vào cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ”. Vẫn là những luận điệu phiến diện, chủ quan, hằn học được tung ra như: “việc chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng đang loay hoay, tính từ năm 2013 khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với quyền lực độc đoán, nhưng suy thoái đạo đức vẫn nghiêm trọng”, “Ban chỉ đạo Trung ương có thể thúc đẩy cải cách thể chế trước khi mọi việc trở nên tồi tệ thay vì chỉ ‘vào cuộc’ để chỉ đạo … giải quyết hậu quả?”…
Câu hỏi đặt ra là liệu phải chăng Ban Chỉ đạo chỉ vào cuộc khi mọi việc tồi tệ như những gì RFA rêu rao? Câu trả lời rõ ràng là không. Vụ án Việt Á không phải là vụ việc nhỏ. Nó liên quan đến nhiều lãnh đạo của các Bộ, Ngành, địa phương. Trước khi quyết định khởi tố vụ án, Bộ Công an chắc chắn phải tiến hành các hoạt động trinh sát, thu thập tài liệu, chứng cứ. Dĩ nhiên, để có thể thực hiện những hoạt động này thì Bộ Công an phải báo cáo đầy đủ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Có thể khẳng định, ngay từ những giai đoạn đầu tiên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo vụ việc. Đến thời điểm gần đây Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo không phải là một sự “chậm trễ”, “chỉ vào cuộc khi mọi việc tồi tệ” như những “chiếc lưỡi có gai” tung ra.
Bàn về tham nhũng, chúng ta không phủ nhận thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được “giải mã”. Hàng loạt quan chức cấp cao ở các Bộ, Ngành, địa phương đã bị đưa ra trước vành móng ngựa để xét xử. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà vội vàng quy kết “việc chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng đang loay hoay, tính từ năm 2013 khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với quyền lực độc đoán, nhưng suy thoái đạo đức vẫn nghiêm trọng”. Số lượng vụ án, vụ việc bị phát hiện nhiều là do các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, làm rõ các sai phạm, không khoan nhượng, bao che, dung túng cho vi phạm. Nhìn một cách toàn cảnh vào các vụ án tham nhũng, có thể thấy hầu hết đều xảy ra ở giai đoạn, thời kỳ trước đó. Có những vụ án thời điểm xảy ra cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, chúng ta đã phát hiện sai phạm và xử lý. Rõ ràng, công tác xây dựng, chỉnh đốn, phòng chống tham nhũng mà Việt Nam đang đi là đúng hướng, có kết quả thể hiện một cách rõ ràng. Những người sai phạm đã bị xử lý thích đáng, niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền được củng cố. Đồng thời, qua công tác đấu tranh với sai phạm, chúng ta đã dần loại bỏ những đối tượng “sâu mọt” ra khỏi bộ máy, chấn chỉnh lại tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức của cán bộ, đảng viên, củng cố tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan nhà nước.
Chống tham nhũng không phải ngày một, ngày hai có thể kết thúc. So với các loại tội phạm khác, những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực là những người có chức vụ, quyền hạn, mối quan hệ rộng. Chống tham nhũng, tiêu cực đi liền với việc chống lợi ích nhóm và sự tha hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Vì vậy, cần có những bước đi thận trọng, chuẩn xác để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhìn thẳng, nhìn thật và nhìn rõ nguyên nhân, hậu quả của mà tham nhũng gây ra. Các cơ quan chức năng đang hết sức quyết liệt tiến hành các giải pháp để ngăn chặn, để lùi, loại bỏ loại tội phạm này. Việt Nam không cần RFA lên mặt chỉ trỏ, dạy Việt Nam phải làm thế này, làm thế kia trong công tác phòng chống tham nhũng.
Bảo An