Reuters: Việt Nam vượt qua Ấn Độ, thay thế Trung Quốc sau đại dịch
Trang Reuters vừa có bài viết phân tích tình hình dịch chuyển sản xuất trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khiến Ấn Độ trở nên mất an toàn cũng như làm gián đoạn dây chuyền sản xuất. Đồng thời đưa ra nhận định, Việt Nam sẽ là quốc gia dẫn đầu thu hút dịch chuyển sản xuất vì nhiều lí do.
Theo Reuters, thời gian vừa qua, cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đa dạng hóa hoạt động sản xuất của Apple tại đây. Đặc biệt, việc đóng cửa hàng loạt nhà máy đã khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi, liệu Ấn Độ có thể trở thành quốc gia hàng đầu trong sản xuất và xuất khẩu smartphone hay không?
Theo báo cáo mới nhất, Foxconn đã xác nhận có ít nhất 10 kỹ sư Trung Quốc tại nhà máy ở thành phố Chennai, Ấn Độ đã dương tính với Covid-19. Trong khi đó, Wistron Corporation, một đối tác quan trọng khác trong chuỗi sản xuất của Apple, đã đóng cửa nhà máy tại miền nam Ấn Độ, sau một loạt các ca nhiễm Covid-19 xuất hiện.
Bà Bakshi Hardeep Vaid, giáo sư tại Đại học Khoa học Công nghệ Nam Kinh nói với Reuters rằng: “Rất nhiều biện pháp hạn chế đã được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung và cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng“.
Trước đó, Ấn Độ trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2019, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ đang bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hàng loạt “ông lớn” như Apple, Samsung, Xiaomi… đã thiết lập hoạt động sản xuất tại quốc gia này.
Năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu đối với smartphone và phê duyệt kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trị giá 6,65 tỷ USD cho các nhà sản xuất phần cứng, nhằm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu và sản xuất, theo Reuters.
Ba đối tác hàng đầu của Apple là Foxconn, Wistronn và Pegatron đã công bố kế hoạch đầu tư tổng cộng gần 900 triệu USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới để tham gia PLI.
Giám đốc nghiên cứu IDC Kiranjeet Kaur cho biết: “Đối với Apple, hoạt động sản xuất trong nước phải đáp ứng được hai mục tiêu: một là giảm chênh lệch chi phí do thuế nhập khẩu, hai là phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh“. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, việc chỉ tập trung sản xuất vào Trung Quốc sẽ làm tăng rủi ro đối với nhà sản xuất iPhone.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tham vọng trở thành “Trung Quốc mới” của Ấn Độ trong ngành sản xuất điện thoại hiện đang bị dập tắt bởi đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trên toàn cầu, Reuters cho biết.
Các nhà sản xuất smartphone sẽ bị tác động mạnh mẽ trong quý 2 năm nay, thậm chí có thể lâu hơn nếu xuất hiện thêm nhiều làn sóng dịch bệnh mới, Bà Bakshi Hardeep Vaid nói với Reuters.
Reuters cũng trích dẫn dự báo của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce rằng, sản lượng smartphone tại Ấn Độ sẽ giảm xuống 12 triệu chiếc trong quý 2 và quý 3/2021, dẫn đến tổng sản lượng smartphone tại quốc gia này giảm khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài tác động đến chuỗi cung ứng của Apple và Samsung, các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Realme, Oppo và Vivo cũng bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch lần này. Tất cả các hãng này đều tập trung mở rộng hoạt động sản xuất tại Ấn Độ trong những năm vừa qua.
Đối với dây chuyền sản xuất điện thoại tại Trung Quốc, theo báo cáo hồi tháng 5 của Counterpoint, Apple đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 của hãng. Tuy Covid-19 đã làm đình trệ hoạt động chuyển dịch này, nhưng trong tương lai, chi phí sản xuất của Trung Quốc sẽ có khả năng cao tăng đáng kể. Như vậy, Apple sẽ phải tiếp tục tìm đến các thị trường khác để tăng sản lượng, và điểm đến mà tiềm năng nhất mà Apple đang nhắm đến chính là Việt Nam.
Theo Reuters, Việt Nam được xem là quốc gia hội tụ tất cả điều kiện về nhân công, vị trí, giá thành và cả những ưu đãi về FDI để các tập đoàn thế giới lựa chọn. Đặc biệt hơn, Việt Nam còn là quốc gia an toàn nhất bất chấp đại dịch.
Tháng 11 năm ngoái, Reuters đưa tin rằng Foxconn đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple.
Bảo Trâm (Theo Reuters)