+
Aa
-
like
comment

Reuters: Việt Nam có thể tham gia du lịch biệt lập với nước khống chế dịch thành công

20/05/2020 14:42

Hãng tin Reuters nhận định Việt Nam có thể tham gia du lịch biệt lập với các quốc gia khống chế dịch thành công như New Zealand hay Úc, để thúc đẩy phát triển du lịch.

Bãi biển Phú Quốc – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại Phú Quốc, tấm áp phích cảnh báo du khách về sự nguy hiểm của COVID-19 từ lâu đã phai mờ dưới ánh nắng mặt trời, du khách quốc tế cũng thưa thớt.

Việt Nam ghi nhận lượng du khách giảm 98% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2019, do đại dịch. Nhưng thành công của Việt Nam trong việc chống lại virus với 324 ca nhiễm và 0 ca tử vong giờ đây đã giúp ngành du lịch phục hồi trở lại.

Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu phục hồi nền kinh tế. Nhưng với lệnh cấm du khách nước ngoài vẫn còn, nhiều thị trường du lịch lớn đang bị đóng băng, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang tích cực giảm giá để thu hút khách du lịch nội địa.

Phú Quốc nhìn từ cửa sổ máy bay, ngày 8-5 – Ảnh: REUTERS

Tại khu nghỉ mát Mango Bay ở Phú Quốc, nhân viên mang khẩu trang phục vụ cocktail lạnh và rượu vang trắng cho các nhóm khách nhỏ. Nhiều người trong số họ là khách du lịch thành thị trẻ tuổi, từ Hà Nội hay TP.HCM.

Tổng giám đốc Ronan Le Bihan cho biết Mango Bay cần thích nghi với thị hiếu của du khách trong nước.

“Các doanh nghiệp du lịch nhắm đến du khách nước ngoài sẽ gặp vấn đề trong một thời gian dài”, Bihan nói. “Bây giờ chúng tôi tập trung vào thị trường Việt Nam, nhưng đây là bài toán rất lớn. Không phải tất cả người Việt Nam đều quan tâm đến những gì chúng tôi cung cấp”.

Chiến dịch quảng bá du lịch Người Việt Nam du lịch Việt Nam nhằm mục đích giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng với giá cả hợp lý.

Động thái này đưa Việt Nam vượt lên trước các đối thủ du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines, nơi các hạn chế về du lịch chỉ mới bắt đầu được dỡ bỏ.

Khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long sau khi dỡ phong tỏa – Ảnh: REUTERS

Du lịch mang lại 726 nghìn tỉ đồng (31 tỉ USD) trong năm ngoái, tương đương 12% GDP của Việt Nam năm 2019. Tuy chỉ có 17% trong số 103 triệu du khách là người nước ngoài, họ lại chi tiêu nhiều hơn so với du khách nội địa.

Bên cạnh cảnh báo về nguy cơ khi mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài quá nhanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi quảng bá du lịch nội địa.

Để thu hút khách du lịch trong nước, khách sạn và hãng hàng không đã giảm giá tới một nửa, ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói với Reuters.

“Sự phục hồi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy du lịch quốc tế. Sau khi chương trình này kết thúc vào giữa tháng 7, chúng tôi sẽ bắt tay vào một chương trình khác để quảng bá du lịch quốc tế, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh”, ông Bình nói.

Du lịch biệt lập

Du lịch nội địa cũng là ưu tiên phục hồi của các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Các đảo nghỉ mát ở Indonesia cho biết họ có thể mở của trở lại cho du khách nước ngoài vào tháng 10 và các khách sạn ở Thái Lan cũng đang chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại.

Một lựa chọn đang được cân nhắc tại Việt Nam là tham gia “du lịch biệt lập” cùng các quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh.

Ken Atkinson, phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, cho biết các quốc gia đầu tiên có thể cân nhắc là Úc và New Zealand, những nơi đang xem xét khu vực di chuyển tự do của riêng họ.

“Tuy nhiên, vì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn du khách lớn nhất của chúng tôi, điều quan trọng là phải có kế hoạch mở lại du lịch từ các thị trường đó ngay khi nó an toàn”, ông Atkinson nói với Reuters.

“Thị trường du lịch châu Á sẽ phục hồi đầu tiên. Chúng tôi phải tự thay đổi để tập trung vào thị trường nội địa cũng như thị trường châu Á”, William Haandrikmanm, tổng giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cho biết.

Biển nhắc nhở đeo khẩu trang ở khu du lịch Vịnh Hạ Long – Ảnh: REUTERS

Du lịch nội địa đang tăng trưởng. Hầu hết các hãng hàng không Việt Nam cho biết các chuyến bay trong nước đang đông khách hơn.

Bị thuyết phục vì giá giảm sâu, Lê Thị Mai Phương, một nữ doanh nhân 38 tuổi ở Hà Nội, đã dành cuối tuần nghỉ ngơi ở Đà Nẵng.

“Tôi sợ rằng nếu đợi đến khi dịch bệnh kết thúc, chi phí sẽ tăng lên và các bãi biển sẽ trở nên đông đúc. Đâu ai biết liệu virus có quay trở lại Việt Nam và gây ra lần phong tỏa tiếp theo hay không. Lúc đó tôi sẽ phải ngồi nhà và mơ được đi du lịch lần nữa”, chị Phương cho biết.

Minh Khôi

Bài mới
Đọc nhiều