+
Aa
-
like
comment

Reuters: Việt Nam – chìa khóa quan trọng tháo gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu

Bảo Trâm - 15/02/2022 15:28

Trang Reuters đã có bài viết nói về việc Việt Nam gỡ bỏ những hạn chế về Covid-19 giúp khôi phục dây chuyền sản xuất, tăng tốc hoạt động nhằm gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 để đón FDI cũng như xu thế chuyển dịch sản xuất toàn cầu.

Theo Reuters, dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, từ các nhà máy sản xuất giày dép cho đến smartphones của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hoạt động, trái ngược hoàn toàn chính sách đóng của hồi năm ngoái, từng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà bán lẻ phương Tây bị gián đoạn.

Ngày nay, Việt Nam được xem là đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ cũng như đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách Covid-19 của Việt Nam sẽ tác động nhiều đến tình hình cung ứng và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lẫn nhau.
Theo việc mở cửa trở lại các nhà máy tại Việt Nam, nước xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ hai vào Mỹ sau Trung Quốc, cũng sẽ giúp gỡ rối các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang đẩy lạm phát trên thế giới tăng cao.

“Nếu Việt Nam có thể duy trì năng lực sản xuất và sản lượng sản phẩm của các nhà máy, điều này sẽ thực sự góp phần hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các ngành như nông nghiệp, dệt may và tiêu dùng điện tử”, Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn EY Việt Nam nói với Reuters.

Bên cạnh đó, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất thay thế hấp dẫn nhất cho các công ty muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo Reuters, xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục, nếu Việt Nam có thể đứng vững trước làn sóng Omicron hiện tại và Bắc Kinh tiếp tục các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây nhiễm theo chuẩn “Zero Covid” mà Trung Quốc đeo đuổi.

“Việt Nam sẽ là nước thụ hưởng chính trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt liên quan đến việc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp chuyển ra khỏi Trung Quốc và sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử”, Raphael Mok, Trưởng bộ phận nghiên cứu rủi ro thị trường các quốc gia châu Á của Fitch Solutions cho hay.

Như đã biết, Việt Nam đã nhận được lời khen ngợi hết lòng từ rất sớm trong đại dịch vì đã kiềm chế thành công sự lây nhiễm bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, đợt bùng phát vào mùa hè năm ngoái do biến thể Delta đã khiến hàng triệu công nhân phải ở nhà trong bối cảnh các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp lân cận phía Nam ngừng hoạt động để phòng chống dịch, theo Reuters.

Vào tháng 9, giai đoạn đỉnh điểm của việc đóng cửa giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bắt đầu xem xét chuyển hoạt động sản xuất đi nơi khác thì Chính phủ đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, thuyết phục các nhà đầu tư “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, ở lại làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Lululemon, một nhà bán lẻ quần áo của Canada, đã buộc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Việt Nam vào tháng 9/2021. Nike, có nguồn cung cấp một nửa sản lượng giày dép đến từ Việt Nam, đã cắt giảm dự báo doanh số bán hàng năm 2022 do nhà máy ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đã khác.

Trang Reuters trích lời Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết hiện 90% đến 95% công nhân dệt may đã trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán.

Công nhân nhà máy tại Việt Nam, với thu nhập trung bình 330 USD mỗi tháng, đang hy vọng bù đắp cho khoản thu nhập bị mất năm ngoái.

“Mọi việc hiện khá suôn sẻ … có nhiều đơn hàng cần giao nên chúng tôi có thể làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Tôi không nghĩ rằng việc đóng cửa nhà máy sẽ trở thành một vấn đề lớn trong tương lai”, anh Nguyễn Văn Hoàng, 28 tuổi, làm việc tại một xưởng da ở TP HCM chia sẻ.

Bà Ninh Thị Ty, Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, chuyên sản xuất hàng may mặc cho các hãng như CK, Mango, Zara và H&M, cho biết bà mong muốn Chính phủ sớm phân loại Covid-19 là bệnh đặc hữu (tức một dạng như cúm mùa) để tránh áp dụng các chính sách phòng bệnh thái quá ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

“Các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp như chúng tôi, vì sẽ không kịp giao sản phẩm cho khách hàng”, bà Ty, người có nhà máy với 6.000 công nhân đang làm việc trả lời Reuters.

TPHCM bắt đầu khôi phục các hoạt động sản xuất sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Ảnh: TT

Trang Reuters nhấn mạnh, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên.

Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực nội tại và hiệu quả của toàn nền kinh tế, kết hợp với chính sách phục hồi, phát triển chủ động, linh hoạt, chiến lược ứng phó với dịch bệnh và các thách thức phi truyền thống ngày càng kịp thời, đúng đắn hơn, trang Reuters viết.

Bảo Trâm (Theo Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều