Reuters: Tương lai Việt Nam sẽ thế nào sau Đại hội XIII?
Vừa qua, trang Reuters đăng tải bài viết nói về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng thế giới, đồng thời đưa ra những tiên đoán về sự chuyển hướng trong đường lối phát triển kinh tế mà các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ họp bàn trong Đại hội XIII diễn ra trong tuần này.
Theo Reuters, Việt Nam đang diễn ra một sự kiện lịch sử mà cả thế giới đều dõi theo, đó là Đại hội Đảng XIII. Đại hội này sẽ giúp định hình vai trò toàn cầu của đất nước trong 5 năm tới, lựa chọn các nhà lãnh đạo mới và thiết lập chính sách kinh tế mới, phù hợp với xu thế toàn cầu hiện tại, đặc biệt là những chính sách thu hút FDI trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra.
Đây là thời điểm vô cùng phù hợp cho Việt Nam tìm ra đường lối đổi mới về cả kinh tế và ngoại giao, tận dụng những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2020. Cuộc họp cũng là lúc Việt Nam tìm ra giải pháp cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia mà Việt Nam đều là đối tác chiến lược quan trọng.
Theo Reuters, Việt Nam đang dần phát triển thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất thế giới, đồng thời là trung tâm may mặc toàn cầu, với nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác sau đại dịch.
“Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ tiếp tục gây mất ổn định môi trường địa chiến lược và kinh tế trong khu vực trong 5 năm tới. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam do nền kinh tế Việt Nam rất cởi mở và phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài.”, Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore cho biết.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Việt Nam đạt trung bình 6,0% trong 5 năm qua và vẫn tăng 2,91% vào năm 2020 bất chấp đại dịch đã đè bẹp các nền kinh tế ở các nơi khác. Cho đến nay, Việt Nam đã thành công khi đưa nền kinh tế của mình vượt xa phần lớn châu Á trong năm qua.
“Các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ phải học cách giảm thiểu các tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội, đặc biệt là sự chuyển hướng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc”, Reuters trích lời ông Lê Hồng Hiệp.
Sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc gây ra, đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, thì ban lãnh đạo của Đảng sắp tới phải đối mặt với sự giám sát gia tăng của Mỹ – và ban lãnh đạo mới trong Nhà Trắng, theo Reuters.
Ông Hà Hoàng Hợp, cũng thuộc Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho biết: “Việt Nam sẽ cần duy trì đối thoại với Mỹ để hiểu rõ hơn về chính quyền Biden, đồng thời xem xét một cách chân thành các chính sách và thực tiễn thương mại và tiền tệ của mình”.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Reuters)