Reuters: Kết quả bầu cử ông Trump tạm dẫn trước bà Harris
Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng hôm nay ngày 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Theo ông Trump đã giành chiến thắng tại các bang gồm Kentucky (8 phiếu đại cử tri), Indiana (11 phiếu), Tây Virginia (4 phiếu), Alabama (9 phiếu), Florida (30 phiếu), Oklahoma (7 phiếu), Missouri (10 phiếu), Tennessee (11 phiếu), Arkansas (6 phiếu), Nam Carolina (9 phiếu), Texas (40 phiếu), Nam Dakota (3 phiếu), Bắc Dakota (3 phiếu) và Wyoming (3 phiếu).
Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Harris giành chiến thắng tại các bang Vermont (3 phiếu), Maryland (10 phiếu), Massachusetts (11 phiếu), Washington DC (3 phiếu) và Delaware (3 phiếu).
Tính đến thời điểm 9 giờ sáng nay (giờ Việt Nam), 41 bang đã đóng cửa các điểm bỏ phiếu, trong đó có các bang chiến trường như Arizona, Wisconsin và Michigan.
Ông Trump và bà Harris đều không giành được đa số phiếu đại cử tri để chiến thắng thì quy định xử lý ra sao?
Cuộc đua vào Nhà Trắng luôn tồn tại biến số. Vậy nếu cả ông Trump và bà Harris đều không giành được đa số phiếu đại cử tri để chiến thắng thì quy định xử lý ra sao?
Tuy khả năng hòa không cao nhưng một kết quả như vậy vẫn có thể xảy ra. Theo hệ thống bầu cử Mỹ, lá phiếu phổ thông của các cử tri trên toàn quốc không trực tiếp bầu ra ai là tổng thống tiếp theo.
Thay vào đó, tổng thống được quyết định dựa trên số phiếu đại cử tri. Số lượng đại cử tri của mỗi bang có thể thay đổi qua từng kỳ bầu cử, nhưng tổng số đại cử tri toàn quốc luôn cố định là 538 người. Các ứng viên cần giành được hơn một nửa số phiếu đại cử tri, tức 270 phiếu bầu, để thắng cử.
Mọi tiểu bang tại Mỹ, trừ Nebraska và Maine, đều trao toàn bộ phiếu đại cử tri cho ứng viên giành được số phiếu phổ thông cao nhất tại bang đó, dựa trên nguyên tắc “người thắng lấy tất cả”.
Trong trường hợp cả ông Trump và bà Harris đều không giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng, Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội sẽ can thiệp và đóng vai trò quyết định. Theo đó, Hạ viện mới sẽ bầu tổng thống, còn Thượng viện có vai trò chọn ra phó tổng thống tiếp theo, theo Hãng tin AFP.
Tuy nhiên cục diện này chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Lần gần nhất Quốc hội buộc phải chọn ra tổng thống do kết quả hòa là kỳ bầu cử năm 1800 trong cuộc đua giữa ứng viên Thomas Jefferson và tổng thống đương nhiệm John Adams.
Thời điểm đó, sự chia rẽ giữa các nhà lập pháp trong Hạ viện khiến việc đạt được sự đồng thuận trở nên vô cùng khó khăn. Cuối cùng, ông Thomas Jefferson được chọn làm tổng thống ở lần bỏ phiếu thứ 36.
Cuộc bầu cử hỗn loạn năm 1800 đã phơi bày những điểm yếu trong hệ thống bầu cử Mỹ lúc bấy giờ. Bốn năm sau đó, xứ sở cờ hoa đã bổ sung Tu chính án 12 vào Hiến pháp nhằm điều chỉnh và quy định rõ hơn về cách thức bầu cử tổng thống và phó tổng thống.
Cụ thể, quy trình bầu tổng thống của Hạ Viện dựa trên nguyên tắc “1 tiểu bang, 1 phiếu bầu”. Điều này có nghĩa là mỗi một tiểu bang, bất kể dân số, chỉ được bầu một phiếu duy nhất cho ứng viên mà họ lựa chọn.
Tất cả các bang đều có sức nặng ngang nhau. Ví dụ, bang Wyoming với dân số 500.000 người sẽ có sức ảnh hưởng tương đương bang California với dân số khoảng 39 triệu người.
Trong khi đó, thủ đô Washington của Mỹ có ba phiếu đại cử tri, nhưng thành phố này sẽ không có phiếu bầu trong cuộc bầu cử chọn tổng thống của Hạ viện vì Washington không phải một tiểu bang.
Ngoài ra các bang có nhiều hơn hai đại diện sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu nội bộ để xác định sẽ ủng hộ ứng viên của đảng nào. Để chiến thắng, mỗi ứng viên phải giành được đa số phiếu từ 50 bang trên toàn quốc, tức ít nhất 26 phiếu bầu.
Bích Ngân