+
Aa
-
like
comment

Redpillvn xúc phạm phụ nữ Việt Nam là “máy đẻ” cho thực dân, đế quốc

Tifosi - 20/01/2021 11:32

Một trang cộng đồng, tạm gọi là Redpillvn với một đội ngũ thiển cận thường xuyên đăng bài viết xúc phạm người phụ nữ Việt Nam, cho rằng phụ nữ Việt Nam trở thành “máy đẻ” của thực dân, đế quốc, chấp nhận khuất phục quân xâm lược, sẵn sàng từ bỏ đi giống loài. Họ luôn cố ý hạ thấp những thành quả lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trả lời báo chí tại Paris. Phụ nữ Việt Nam không chỉ thực hiện thiên chức làm mẹ, mà còn được quốc tế biết đến với vai trò chính trị gia tài giỏi.

Một vài người đi đầu trong cộng đồng Redpillvn ấy đã dẫn dắt, quy chụp cho phụ nữ Việt Nam “Những người phụ nữ chấp nhận làm nô lệ, thà bị hãm hi*p và đẻ con cho những người chiến thắng, những người chiến thắng đó là tổ tiên của tôi và bạn đấy”; “Một số ít những người đàn bà đủ can đảm để phản kháng lại, thế nhưng kết cục của họ bi thảm lắm. Và tất nhiên mã gen của họ sẽ dừng ngay tại thời điểm đó”; “Chỉ có những người phụ nữ quy hàng thì mới được tồn tại đến ngày nay. Còn những người phụ nữ góp công lớn vào lịch sử chống giặc của dân tộc… Bạn biết chuyện gì xảy ra với họ rồi đó”.

Không biết là tổ tiên của các bạn Redpillvn thế nào, chứ với tổ tiên của người Việt, từ ngàn xưa người phụ nữ đã anh hùng, khí phách chẳng thua gì nam nhi.

“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta” – Bà Triệu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng cổ truyền lâu đời của Việt Nam, lấy việc tôn thờ những người mẹ, những người phụ nữ…có những quyền năng, vai trò bảo vệ dân tộc, duy trì nòi giống, che chở cho xã hội ở mỗi thời kỳ. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng chính là khát vọng của những người phụ nữ Việt Nam, nhắm gửi gắm mưu cầu chống lại sự rằng buộc của xã hội phong kiến.

Tục lệ thờ Mẫu đã được thừa nhận và được coi như một nếp sống văn hóa từ rất lâu đời. Đúng là lễ giáo phong kiến có nhiều điều cổ hủ và lạc hậu, nhưng cha ông ta trong quá khứ, chẳng bao giờ coi phụ nữ như là nô lệ để mà chinh phục hay tàn sát.

Lịch sử Việt Nam được khắc ghi bởi những cuộc chiến bảo vệ Tổ Quốc, chống quân xâm lược và những người đã làm lên những chiến thắng ấy, là toàn dân, tức là cả nam giới và nữ giới.

Có thể chúng ta thừa biết, cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do hai người phụ nữ tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Đây cũng là “nhát kiếm” đầu tiên cho công cuộc chống đồng hóa dân tộc từ phương Bắc. Dưới trướng của Hai Bà Trưng còn có nữ tướng Lê Chân – người có công “khai sinh” ra vùng đất Hải Phòng ngày nay hay nữ tướng Lê Thị Hoa, phát triển vùng đất Nga Sơn, Thanh Hóa ngày nay.

Trong thời kỳ Bắc thuộc, bà Triệu cũng đã lãnh đạo dân tộc ta nổi dậy. Hay như bà Dương Khoan Khoáng, có công cùng Lý Nam Đế lập ra nước Vạn Xuân và bà Phạm Thị Uyển, chiến đấu cùng Mai Hắc Đế.

Đằng sau một người đàn ông, không phải chỉ có bóng dáng của người phụ nữ. Tây Sơn ngũ phụng thư, bao gồm 5 người phụ nữ nổi danh đương thời, bao gồm tướng Bùi Thị Xuân là vợ của tướng Trần Quang Diệu, bà Bùi Thị Nhạn là vợ của Vua Quang Trung, bà Trần Thị Lan là vợ của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, bà Nguyễn Thị Dung là vợ của tướng Trương Đăng Đồ và bà Huỳnh Thị Cúc – nữ tướng dưới trướng bà Bùi Thị Xuân. Họ tham gia vào huấn luyện binh sĩ, đào tạo voi chiến, lập kế hoạch tác chiến, tổ chức hậu cần chiến đấu và còn trực tiếp cầm gươm đao ra tiền tuyến. Và chính họ, có vị thế không thua kém gì đấng nam nhi cả.

Ngày 27 tháng 01 năm 1973, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình thay mặt Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở hai miền Nam Bắc Việt Nam.

Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đồng ý là có một số người phụ nữ chấp nhận làm tay sai cho giặc, nhưng đó chỉ là một số rất ít, còn đa số những người phụ nữ Việt Nam khác, đều luôn có ý thức mạnh mẽ về độc lập dân tộc, bảo vệ nòi giống… Chính họ, đã tạo ra những thế hệ anh hùng chiến đấu vì Tổ Quốc.

Họ, chấp nhận để cha, chồng, con mình hy sinh vì Tổ Quốc, tại hậu phương, họ tăng gia sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến. Không ít người phụ nữ tình nguyện vào chiến trường, trở thành những nữ thanh niên xung phong, những nữ bác sĩ… Có nhiều người đã nằm lại vì Tổ Quốc. Chúng ta biết đến câu chuyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, biết đến chị Võ Thị Sáu, biết đến tướng Nguyễn Thị Định với đội quân tóc dài, biết đến chiến tích Ngã ba Đồng Lộc hay như nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình… và còn hơn 44 ngàn mẹ Việt Nam anh hùng.

Những người phụ nữ trong lịch sử Việt Nam đã trực tiếp góp công vào công cuộc bảo vệ Tổ Quốc, họ vừa là hậu phương vững chắc, có nhiều người trong số họ đích thân cầm quân ra chiến trường, tử chiến với giặc. Nói như Redpillvn, họ “chỉ biết đẻ” hoặc “chỉ biết cúi đầu”, e rằng là vừa sai sự thực lịch sử, vừa xúc phạm biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam đi trước.

Việc nước không phải chỉ dành cho đấng nam nhi, như câu tục ngữ: “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Có chiến tranh thì phải có mất mát, có rất nhiều người phụ nữ đã ngã xuống, nhưng chắc chắn là họ không màng đến cái gọi là “mã gen”.

Biết bao nhiêu đế chế hùng mạnh đã xâm lược Việt Nam, từ phương Bắc và phương Tây…

Nhưng không như đội ngũ Redpillvn đã nói, phụ nữ Việt Nam không hề chấp nhận buông xuôi, không thờ ơ với vận mệnh dân tộc và tuyệt đại đa số họ, không trở thành “máy đẻ” của thực dân, đế quốc.

Tifosi

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều