+
Aa
-
like
comment

Rất cứng rắn với Ukraine, tại sao Nga lại từ chối sáp nhập Belarus?

Huy Hoàng - 25/02/2022 16:17

Vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai nhà nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, hiện đang nắm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền đông Ukraine. Ông Putin sau đó còn ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào hai khu vực này để tiến hành các hoạt động “gìn giữ hòa bình và bảo vệ các công dân Nga”. Thế nhưng, điều này chưa đáng sợ bằng những lời tuyên bố trước đó của ông Putin sau khi công nhận độc lập của vùng Donbass.

Quân đội Nga chiếm sân bay quân sự Gostomel, ngoại ô Kiev.

Khi đó, Tổng thống Putin đã tuyên bố: “Một khi chúng tôi công nhận các nhà nước. Thì điều đó có nghĩa là chúng tôi đã công nhận tất cả các tài liệu cơ bản của họ, bao gồm cả hiến pháp, và trong đó có nêu rõ biên giới”.

Đường biên giới được Nga công nhận chính là phần “lãnh thổ” mà phe ly khai tuyên bố trong “hiến pháp” của họ từ trước khi Moscow công nhận nền độc lập của 2 khu vực này. Việc này đồng nghĩa là Nga đã công nhận độc lập cho một diện tích rộng gấp 3 lần khu vực phe ly khai thực tế chiếm đóng được. Nhưng cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc, Ukraine đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp, vì Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Donetsk và Lugansk để tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine. Viễn cảnh đất nước Ukraine bị chia cắt đang rõ mồn một ngay trước mắt thế giới.

Một hướng đi khác của một nhà nước khác

Từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nước Nga đã mất đi tiếng nói ở 14 quốc gia thành viên, nhiều nước thậm chí đã rời bỏ Nga và ngả theo phương Tây. Do đó, khi Nga lấy lại vị thế của mình ngày nay, họ đã dùng sức mạnh của một siêu cường quyết tâm lật đổ sự thống trị đơn cực của Mỹ bằng cách chiếm quyền kiểm soát các quốc gia từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine.

Tuy nhiên, bên cạnh Ukraine, Belarus cũng là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đáng nói nhất là họ còn từng muốn sáp nhập vào Nga. Năm 1997, cả hai đã cùng ký kết một hiệp ước có tên là “Liên Minh Nhà Nước Nga và Belarus” với mục đích thống nhất hai quốc gia làm một. Theo đó, cả hai sẽ chỉ có một nguyên thủ quốc gia, có chung một nền luật pháp và quân đội. Phương Tây lo sợ việc sáp nhập diễn ra, nên đã nhiều lần tung tin với người dân Belarus, rằng Tổng thống Lukashenko đã “đánh mất chủ quyền quốc gia”. Thế nhưng, điều lạ là, miếng thịt đã ở ngay trước miệng, viễn cảnh Liên Xô hồi sinh đang gần hơn bao giờ hết. Vậy mà đến nay, Điện Kermlin vẫn chưa có ý định sáp nhập Belarus vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập nhà nước liên minh.

Vì sao Nga vẫn luôn “chần chừ” dù đã có hiệp ước trong tay?

Điều đầu tiên dễ thấy nhất là Nga cần một “vùng đệm” để ngăn cách mình với NATO và Belarus quá phù hợp cho mục tiêu đó. Nằm giữa Nga và các quốc gia thân phương Tây như Ukraine, Ba Lan, Litva, Latvia… Belarus là một vùng đệm lý tưởng cho Nga thực hiện các động thái răn đe quân sự, nhưng không làm tổn hại đến chính mình nếu như có các cuộc xung đột nổ ra. Belarus như một lưỡi dao nối dài của Nga móc vào phần hông của NATO. Từ đây Nga có thể thị uy quân sự với nhiều nước thành viên NATO.

Belarus là “vùng đệm” hoàn hảo của Nga.

Dù vậy, câu trả lời trên vẫn là chưa đủ, nếu so sánh với việc Ukraine bị Nga xâu xé lãnh thổ như vừa qua. Vì sao Nga không sáp nhập một phần của Belarus và chừa một phần làm vùng đệm cho mình?

Câu trả lời chính xác nhất phải là do Belarus từ lâu đã rất thân thiết với Nga, không những thế còn kịch liệt chống đối phương Tây. Chính điều này đã làm cho Nga yên tâm và không nhất thiết phải hành động mạnh mẽ như với Ukraine. Với Nga, việc sáp nhập Belarus là không cần thiết vì Moskva còn phải bận tâm với nhiều mối đe dọa hơn, như một Kiev thân phương Tây chẳng hạn. Hơn nữa, nếu Nga sáp nhập Belarus, điều đó sẽ vấp phải làn sóng phải đối của người dân. Những bất ổn không đáng có sẽ không mang lại lợi ích thiết thực gì cho Nga.

Belaurs luôn tỏ ra cứng rắn trước phương Tây.

Hiện nay, Belarus là đồng minh quan trọng nhất của Nga. Họ là một trong những nước ở lại với Moskva từ khi Liên Xô tan rã. Belarus còn là nước liên minh với Moskva để thành lập ra Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một mô hình tương tự và đối trọng với NATO. Những điều đó cho ta thấy họ thân với Moskva đến chừng nào.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra, là tại sao Belarus lại thân Nga đến vậy? Tại sao họ không giống các quốc gia Đông Âu khác, chọn cách ngả về phương Tây khi Liên Xô sụp đổ và Nga đã đánh mất đi vị thế của mình?

Giới tinh hoa Minsk

Tất cả câu trả lời là nằm ở giới tinh hoa của Belarus. Các nhà lãnh đạo ở Minsk cho rằng, việc thân Nga sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho người dân. Belarus là quốc gia không giáp biển, nhưng có lãnh thổ nằm ở phía đông châu Âu. Họ là tuyến giao thương quan trọng kết nối các mỏ dầu ở miền trung nước Nga với các khách hàng ở Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Đức. Giống với Ukraine, hằng năm, Belarus cũng thu về cho mình lợi nhuận không hề nhỏ từ việc trung chuyển dầu khí cho Nga. Theo ước tính, 25% giá trị xuất khẩu dầu thô của Moskva là phải đi qua Belarus. Tuy nhiên, điều này vẫn không quan trọng bằng việc “ai đang nắm quyền”…

Hằng năm, Belarus thu về cho mình lợi nhuận không nhỏ từ việc trung chuyển dầu khí cho Nga.

Đã 26 năm qua, ông Alexander Lukashenko vẫn nắm giữ vị trí Tổng thống và hiện đã bước vào nhiệm kỳ thứ 6. Liên Xô chỉ mới tan rã cách đây 31 năm, do đó, việc nắm giữ quyền lực đến 26 năm khiến ông Lukashenko bị phương Tây chỉ trích. Liên minh Châu Âu EU từ lâu vẫn luôn coi Belarus là một quốc gia “thiếu dân chủ”, có nhiều hành động “vi phạm nhân quyền”. EU thường xuyên công khai chỉ trích Tổng thống Lukashenko trước công chúng, bằng những lời lẽ giống như những gì họ cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kể từ đó đến nay, EU đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Minsk với hy vọng gia tăng áp lực khiến người dân ở Belarus biểu tình chống lại ông Lukashenko. Belarus sau đó sẽ có chính quyền mới và chọn cách ngả về phương Tây.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Tuy nhiên, điều không ngờ là ông Lukashenko vẫn nắm quyền và được người dân ủng hộ, bất chấp những nỗ lực kích động của EU. Tất cả là nhờ có ông Putin, EU bao vây kinh tế Belarus bấy nhiêu, thì Moskva mở đường làm ăn cho họ bấy nhiêu. Những khó khăn kinh tế của Belarus đều được nước Nga cân bằng, thông qua những hợp đồng cung cấp dầu khí với mức giá ưu đãi hàng tỷ USD. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Nga đã cung cấp cho Belarus số dầu khí chiết khấu cực lớn, giúp Minsk tiết kiệm được hơn 8.5 tỷ USD, tương đương với 13,7% GDP. Ngoài ra, giao thương giữa hai quốc gia liên tục tăng, bất chấp các lệnh trừng phạt nhắm vào Minsk. Hiện nay, 48% kim ngạch xuất nhập khẩu của Belarus là phụ thuộc vào Nga. Cuối năm 2021, EU đã tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt mới vào Minsk. Trong tình cảnh đó, giới tinh hoa ở Belarus, mà cụ thể là Tổng thống Lukashenko lại càng có lý do để xích lại gần hơn với Nga.

Giao thương với Nga đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế Belarus.

Chính những lý do trên, đã khiến Moskva khá “yên tâm” về Minsk. Đồng thời, việc giới chức Belarus hiện tại cực kỳ cứng rắn với phương Tây, đã khiến quốc gia này chưa phải là mối bận tâm với Nga. Nga không cần phải sáp nhập Belarus để rồi khiến dân tình nơi đây bất mãn. Thay vào đó Moskva cần để ý tới những chuyện quan trọng hơn, như Ukraine chẳng hạn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Moskva không để mắt tới Minsk. Nếu tương lai, Belarus được lãnh đạo bởi một chính quyền mới và có tư tưởng chống Nga thân phương Tây thì hiệp ước “Liên Minh Nhà Nước Nga và Belarus” đã nói ở trên sẽ được kích hoạt. Moskva sẽ có lý do để ủng hộ nhóm người thân Nga ở Belarus và cùng họ sáp nhập lãnh thổ Belarus vào Nga.

Kết cục khác biệt

Thật ra, từ khi Liên Xô tan rã đến nay, Ukraine cũng đã từng có một thời gian dài thân Nga. Những năm trước 2014, khi người đứng đầu Ukraine bấy giờ là Tổng thống Viktor Yanukovych, đã nhiều lần bày tỏ tư tưởng ủng hộ một nhà nước Ukraine vừa thân với Nga, vừa mềm mỏng với phương Tây. Chính ông là người tuyên bố hoãn lại việc ký kết một thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh châu Âu EU, thay vào đó lựa chọn việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Liên bang Nga, với lý do là “nhằm đảm bảo an ninh quốc gia”.

Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych có mối quan hệ nồng ấm với Moskva.

Tuy nhiên, ông Yanukovych đã không lường trước phản ứng của một bộ phận không hề nhỏ người dân mang tư tưởng chống đối Nga, cũng như những bước đi của phương Tây. Khi quyết định được công bố, phương Tây đã kích hoạt một làn sóng tẩy chay và khởi xướng phong trào Euromaidan khiến ông ta phải từ chức và trốn chạy sang Nga. Một nhà nước Kiev mới với tư tưởng thân phương Tây sau đó lên nắm quyền điều hành Ukraine.

Người biểu tình Ukraine theo phong trào Euromaidan.

Chính vì việc đó đã khiến Ukraine trở thành “thỏi nam châm” thu hút hết sự chú ý của Nga. Những tức giận dồn nén từ thời Liên Xô, tranh chấp bán đảo Crimea cho đến xung đột Donbass, sự quay lưng ngả theo phương Tây của Kiev như một giọt nước tràn ly với Moskva. Bó củi cháy đã âm ỉ nay lại được đổ thêm dầu, liên tiếp các hành động khiêu khích của Ukraine đã làm ngọn lửa trong lòng nước Nga bùng nổ.

Như dân gian ta đã nói không sai, “sai một ly đi một dặm”. Sự khác biệt ở hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng, đã khiến cho Ukraine và Belarus có một kết cục khác nhau sau ngần ấy năm.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều