RANH GIỚI MONG MANH GIỮA TÀI TRỢ VÀ QUẢNG CÁO: BÀI HỌC TỪ SỰ CỐ DRONE TẠI TP.HCM
Sự kiện 10.500 drone bị hủy bỏ vào ngày 1/5 ở TP.HCM đã để lại một sự cố đáng tiếc trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đằng sau sự cố này là câu chuyện về sự cân bằng khó khăn giữa hỗ trợ thương mại và giá trị văn hóa-lịch sử, và hậu quả khi ranh giới giữa tài trợ và quảng cáo trở nên mờ nhạt.
Mọi việc bắt đầu từ buổi tổng duyệt mang tên “VNPay Drone Show” diễn ra tối 28/4 tại Bến Bạch Đằng. Với 10.500 thiết bị bay không người lái, đây được kỳ vọng là màn trình diễn drone lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, một phần quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm lịch sử trọng đại của dân tộc.
Nhưng công chúng đã sốc và bức xúc khi, có đến 2 hình ảnh quảng cáo VNPay. Điều đáng nói là những hình ảnh mang ý nghĩa lịch sử chỉ lướt qua trong vỏn vẹn 10 giây, trong khi hình ảnh quảng cáo lại kéo dài cả phút. Màn trình diễn chỉ diễn ra khoảng 15 phút nhưng quảng cáo ví điện tử VNPAY chiếm sóng.
Trước làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng, ban tổ chức dường như đã hốt hoảng và thực hiện những thay đổi vội vã trong chương trình. Theo một số nguồn tin, họ đã phải thay đổi mã lập trình một cách gấp rút để loại bỏ các yếu tố quảng cáo. Và kết quả thì ai cũng đã thấy – trong buổi thử nghiệm tối 30/4, drone rơi lả tả sau khi chỉ hiển thị được 4 hình ảnh trong khoảng 4-5 phút. Cuối cùng, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM đành phải ra thông báo ngừng hoàn toàn màn biểu diễn chính thức dự kiến diễn ra vào ngày 1/5.
Sự việc này cho thấy việc thiếu cân nhắc kỹ lưỡng về cách thể hiện thương hiệu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến một sự kiện văn hóa ý nghĩa. Nhà tài trợ VNPAY chắc chắn đã đầu tư không nhỏ vào sự kiện với mong muốn đem đến trải nghiệm công nghệ hiện đại cho người dân, nhưng có vẻ như việc đưa yếu tố thương hiệu vào chương trình còn thiếu tinh tế và chưa phù hợp với bối cảnh của một dịp kỷ niệm mang tính lịch sử quan trọng.
Đồng thời, phản ứng quá khích từ công chúng cũng đặt ban tổ chức vào thế kẹt, buộc phải đưa ra những thay đổi kỹ thuật cực kỳ nguy hiểm trong thời gian ngắn. “Thay đổi code trong vòng 2 ngày” với một hệ thống phức tạp điều khiển 10.500 thiết bị bay là một canh bạc mạo hiểm mà kết quả đã được báo trước.
Cuối cùng, người thiệt thòi nhất trong câu chuyện này chính là người dân TP.HCM và du khách – những người đã mất đi cơ hội được chứng kiến một sự kiện công nghệ ấn tượng, và cũng là hình ảnh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Sự việc này đặt ra câu hỏi lớn: Liệu chúng ta đang bán rẻ những giá trị văn hóa, lịch sử cho thương mại? Khi nào thì một nhà tài trợ trở thành kẻ “cướp sân khấu”? Và trên hết, liệu chúng ta có đủ bản lĩnh để nói “không” với đồng tiền khi nó đe dọa xâm phạm những giá trị thiêng liêng của dân tộc?
Chắc chắn, bài học từ sự cố drone 10.500 thiết bị sẽ còn được nhắc lại nhiều năm sau này, không chỉ như một sự cố kỹ thuật đáng tiếc, mà còn như một lời cảnh tỉnh về việc giữ gìn sự cân bằng giữa lợi ích thương mại và giá trị tinh thần trong xã hội hiện đại.
Thu An