+
Aa
-
like
comment

Rác trên mạng, rác trong đầu và bệnh sính ngoại của người Việt

23/07/2019 22:56

Liệu người Việt có làm được một mạng xã hội vượt mặt Facebook ở Việt Nam? Câu hỏi nóng hổi nhất tuần qua, sẽ được ai trả lời và trả lời như thế nào?

Khi lướt qua vài cuộc tranh luận về mạng xã hội “made in Vietnam”, tự nhiên tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng Chế Lan Viên viết gần 60 năm trước: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

Liệu người Việt có làm được một mạng xã hội vượt mặt facebook ở Việt Nam? Câu hỏi nóng hổi nhất tuần qua, sẽ được ai trả lời và trả lời như thế nào?

Những cuộc “hành quyết tập thể” và cú trầm cảm của Nguyễn Tử Quảng

Nguyễn Tử Quảng là một người ý chí và có khát vọng. Năm 2005, khi thương mại hóa phần mềm diệt virus BKAV, ý chí của Quảng bị thử thách bởi miệng lưỡi thế gian. Tuy nhiên khi ấy, Facebook chưa phát triển ở Việt Nam như bây giờ.

Dù phải chống đỡ gạch đá ngổn ngang, phần mềm diệt virus BKAV chiếm tới 85% thi phần Việt Nam, theo một công bố của VCCI. Nếu BKAV không lách qua được khe cửa hẹp của định kiến và lòng người, chắc chắn Việt Nam đã thiếu đi một tên tuổi an ninh mạng đáng nể.

Rac tren mang, rac trong dau va benh sinh ngoai cua nguoi Viet hinh anh 1
Nguyễn Tử Quảng.

Nguyễn Tử Quảng hoàn toàn có thể dừng lại, tận hưởng thành quả ở phần mềm diệt virus. Nhưng anh và cộng sự muốn một giấc mơ lớn hơn chiếc ao làng. Năm 2015, khi Quảng cho ra đời Bphone 1. Tình hình khác hẳn 10 năm trước. facebook khi ấy trở thành một nơi “tập hợp lý tưởng” của lực lượng hùng hậu những người thích hành quyết tập thể bằng like, share, icon. Gạch đá ác ý của đồng hương khiến Quảng bị trầm cảm đến 2 năm liền.

Có thể, trong một số lần phát biểu, Quảng chưa thực sự chuẩn mực trong ngôn từ, nhưng điều quan trọng là anh chưa bao giờ có ý định làm hại người Việt. Trái lại, Quảng tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn đồng bào và giống như nhiều doanh nhân khác, vẫn miệt mòi gom góp để niềm tự hào Việt Nam lớn dần trên trường quốc tế.

Khi thuật toán của facebook cho phép những facebooker hay than vãn, chửi bới, bức xúc vô cùng dễ dàng nhìn thấy nhau trên tường, thì rác trên mạng và rác trong đầu nhiều cư dân mạng tăng nhanh một cách khủng khiếp. Rất khó để tìm thấy tin tốt lành mỗi ngày, khi nó ngập trong vô vàn thông tin tiêu cực, phẫn nộ; khi bất kỳ một vụ việc, vấn đề nào cũng có thể chia người Việt thành hai chiến tuyến, sẵn sàng sỉ nhục, mạt sát nhau.

Danh sách những người phẫn nộ, trầm cảm, mất niềm tin vào đồng loại như Nguyễn Tử Quảng có dấu hiệu kéo dài mãi. Chúng ta đang sống trong một thời mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của mạng xã hội, từ một người làm thiện nguyện nổi tiếng đến một GS khả kính cả đời tâm huyết cho cải cách giáo dục.

facebook ra đời năm 2004 với thiện ý kết nối và hiểu thêm về người khác. Nhưng từ khi nó trở thành con gà đẻ trứng vàng, xối vào tài khoản ông chủ Mark Zuckerberg hàng chục tỉ đô la, thì bên cạnh sự tự do thông tin mà nó mang lại, một cỗ máy gây nghiện, gây chia rẽ, gây bức xúc, phẫn nộ bắt đầu được vận hành. Đáng sợ hơn, hàng tỉ người chơi lại không có quyền thay đổi luật chơi ấy.

Một khi mạng xã hội không làm cho cuộc sống của con người tốt lên, trái lại dần dần hủy hoại đạo đức xã hội, nó đều đáng bị đặt lên bàn cân. Đó là lúc những cộng đồng nhân văn hơn, tôn trọng người chơi hơn, có cơ hội ra đời và lớn mạnh.

Nếu những “cuộc hành quyết tập thể” trên không gian mạng không chấm dứt, bao giờ người Việt mới có được sự đồng tâm, đồng chí, đồng hướng để đắp xây một nước Việt cường thịnh? Không một công trình kiên cố nào lại được xây dựng từ những viên gạch chia rẽ.

Tấm ảnh lạ của Zuckerberg và cơ hội của người Việt 

Trong buổi gặp gỡ cộng đồng công nghệ thông tin và truyền thông phía Nam mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn lại bức ảnh của ông chủ facebook, để chứng minh “cuộc chơi có vấn đề” của các ông lớn.

Rac tren mang, rac trong dau va benh sinh ngoai cua nguoi Viet hinh anh 2
Mark Zuckerberg đi giữa đám đông và không ai biết tới sự có mặt của ông chủ Facebook. (Ảnh: Facebook)

Đó là tấm ảnh Mark Zuckerberg bước lên sân khấu tại một sự kiện về thực tế ảo. Trong bức ảnh ấy, ai cũng đeo kính thực tế ảo, chỉ duy nhất một người không đeo kính là ông chủ facebook. “Chỉ một người nhìn thấy cuộc sống thực còn những người khác nhìn cái do người đó tạo ra” – ông Hùng nói.

Cuộc chơi bất công đó cũng được GS tâm lý học người Mỹ Adam Alter bắt bệnh: “Nhiều ông trùm công nghệ rất cẩn trọng khi sử dụng… công nghệ. Họ có thể bước lên bục phát biểu và nói ‘đây là sản phẩm tuyệt nhất mọi thời đại’, nhưng anh sẽ ngã ngửa khi biết họ không cho phép con cái họ dùng chính sản phẩm đó”.

Chính cựu phó chủ tịch tăng trưởng người dùng của facebook, Chamath Palihapitiya, năm ngoái có một thú nhận chấn động “facebook đang làm xói mòn những nền tảng cốt lõi về cách mọi người ứng xử với nhau. Tôi có thể kiểm soát quyết định của mình về việc không dùng thứ nhảm nhí đó. Tôi có thể kiểm soát quyết định của các con mình, tức là chúng không được phép dùng thứ nhảm nhí đó.”

Điều đáng sợ nhất là khi chúng ta hả hê xúm vào ném đá một ai đó, cho mình toàn quyền sỉ nhục một ai đó mà chỉ bằng cảm tính yêu ghét, đâu ai biết được rằng chính mình đang tích trữ một lượng gạch đá lớn trong xã hội, để một ngày nào đó, chỉ cần chính mình sảy chân, xảy miệng là thân thể nát tươm?

Những nhà lập trình mạng xã hội thiếu nhân bản thì biết chắc chắn điều đó. Càng có cộng đồng say máu, càng có nhiều bàn luận, nhiều chiến tuyến thì con người càng không thể rời xa mạng xã hội. Và như thế, con gà vẫn tiếp tục đẻ trứng vàng cho ông chủ.

Liệu người Việt có thể sáng tạo ra mạng xã hội không nhảm nhí, “nhân văn hơn, “nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó” như gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng?

“Khát vọng phi thường” và câu hỏi day dứt

Từ nhiều năm nay, sự trỗi dậy của Hàn Quốc mang lại nguồn cảm hứng lớn cho người Việt. Nhưng kỳ tích sông Hàn bắt đầu từ đâu?

Người Hàn chữa thành công bệnh sính ngoại. Sính ngoại chính là một loại rác cần dọn dẹp trong tư tưởng. Vẫn sính ngoại thì sẽ không tin vào nội lực lực và khát vọng của mình. Người Hàn dùng ô tô Hàn,  điện thoại Hàn, tivi Hàn, máy móc Hàn, phim ảnh Hàn, thời trang Hàn, và dĩ nhiên là mạng xã hội “made in Korea”. 3 mạng xã hội lớn nhất đất nước này, đều là “của nhà trồng được”. Ở Hàn Quốc, ông lớn thế giới Facebook, chỉ chiếm vị trí số 7 về người dùng và tầm ảnh hưởng.

Sau 2 năm trầm cảm, Nguyễn Tử Quảng tìm ra một trong những câu trả lời quan trọng khiến hàng “made in Vietnam” khó ngóc đầu lên được: “Định kiến rằng Việt Nam không thể sản xuất ra những công nghệ, sản phẩm cạnh tranh với các nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là định kiến trong cả một xã hội thì thật là khủng khiếp. Và không thể trong ngày một ngày hai có thể thay đổi định kiến đó. Nó phải là một công cuộc trường kỳ”.

Tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ mới đây, ông Lê Minh Quốc – Giám đốc Kỹ thuật Công ty MK Smart, đơn vị sản xuất chip, thẻ sim, thẻ ngân hàng than vãn rằng dù sản phẩm công ty xuất ra nước ngoài rất nhiều nhưng lại vẫn chật vật ở thị trường Việt Nam vì đồng bào ông mức “bệnh sính ngoại” quá nặng.

Cũng giống nhận định của ông Quảng, ông Quốc thở dài: “Không biết bao giờ căn bệnh này mới chấm dứt”. Những trận ném đá đầy ác ý và hủy diệt của cư dân mạng, cũng là một biểu hiện rõ nét thói sính ngoại, coi thường năng lực Việt.

Nhưng chữa được bệnh sính ngoại, bệnh định kiến về hàng Việt, vẫn chưa đủ để đất nước cất cánh. Công cuộc ấy đòi hỏi một khát vọng phi thường của chính người Việt.

Khát vọng phi thường ấy biến Viettel, công ty của những người chỉ biết tập tành trên thao trường, gần như chưa va đập thương trường, sau hơn chục năm ra đời, có doanh thu tăng trưởng 5.000 lần, lợi nhuận tăng trưởng tới 45.000 lần, trở thành một biểu tượng của nền kinh tế.

Khát vọng phi thường ấy biến một doanh nghiệp tư nhân như Vingroup làm được những điều khiến cả thế giới sửng sốt như Vinfast. Trong khi số đông vẫn chia rẽ sâu sắc, vẫn cãi nhau thế nào là Make in Vietnam, thì Vingroup đã tiến những bước dài trên con đường trở thành một tập đoàn công nghệ hùng mạnh: Đầu tư vào Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện thoại…

“Một con tàu an toàn nhất khi nó ở bến cảng nhưng đó không phải là điều cần hướng đến” – Kim Bum-Soo, cha đẻ của Kakao Talk, mạng xã hội lớn nhất Hàn Quốc, một trong những doanh nhân giàu có nhất đất nước này, đã nói như vậy. Không ra khơi xa thì chỉ có thể mang về tôm tép.

Kakao Talk lớn lên với triết lý như vậy. Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nhân không muốn “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, muốn làm mạng xã hội lớn của người Việt, phục vụ người Việt, tuân thủ luật pháp của người Việt, mang lại tự hào cho đất nước. Nhưng tại sao, đã có hơn 430 mạng xã hội Việt được cấp phép, nhưng chúng ta vẫn chỉ có thể ngồi nhìn những ông lớn facebook, Google rút hàng trăm triệu đô la trong túi người Việt?

Công ty nghiên cứu thị trường ANTS dự báo năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD. Thế nhưng 387,1 triệu đô la chảy vào túi facebook, Google (chiếm 66,7%). Hàng ngàn doanh nghiệp trong nước ở mảng này chỉ thu được 150 triệu đô la (chiếm33,3%). Nghịch lý đau xót là dù kiếm được phần lớn miếng bánh, nhưng facebook, Google không nộp cho Việt Nam bất kỳ đồng thuế nào trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đóng góp không sót một khoản.

Kinh tế số đang chứng tỏ có vai trò quyết định trong phát triển của một quốc gia thời 4.0. Phát triển mạng xã hội “Made in Vietnam” chính là góp phần quan trọng để giành lại và kiểm soát không gian số của Việt Nam – đang nằm trong bàn tay thao túng của ông lớn Facebook, Google.

Nhưng không gian số chưa phải là tất cả. Hiện chúng ta vẫn chỉ biết ngồi nhìn sự đoàn kết của người Việt bị hủy hoại bởi luật chơi mạng xã hội đầy bất ổn của những kẻ đến từ đất nước khác, mà gần như chúng ta không thể thay đổi chúng.

Trong buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 9/9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “đã đến lúc phát triển mạng xã hội của Việt Nam”. Một đất nước hùng mạnh phải đứng bằng đôi chân hùng mạnh của chính mình, chứ sao có thể dựa vào chiếc nạng gỗ vay mượn của kẻ khác?

Khi còn ở Viettel, tướng Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự với nhiều doanh nhân khác trong một hội nghị hiến kế phát triển đất nước: “Đã đến lúc cho sự trỗi dậy lần thứ hai sau Đổi Mới. Và để có sự trỗi dậy đó, cần phải tạo ra một khát vọng dân tộc. Cái dẫn chúng ta đi qua khó khăn, vượt qua những thách thức là khát vọng. Đặc biệt, trong thế giới sáng tạo, ý nghĩa của khát vọng ngày càng lớn”.

Sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân chính là biển rộng. Biển hẹp và cạn thì đâu có chỗ cho tàu lớn xuất hiện. Nếu chỉ có tầng lớp doanh nhân có khát vọng dân tộc, có niềm tin sắt đá vào sức mạnh Việt, còn đại bộ phận người Việt khác vẫn sính ngoại, nghi ngờ, ném đá, chia rẽ, vẫn định kiến, vẫn giấc mơ con vụn vặt, thì khát vọng ấy liệu có thành hiện thực?

Câu hỏi đó cũng chính là câu trả lời.

 Mạng xã hội trên thế giới

– Trung Quốc: Sina Weibo là mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc được nhiều người dùng Internet sử dụng. Giữa năm 2012, số người đăng ký sử dụng Sina Weibo là 368 triệu người. Có 5.000 doanh nghiệp và 2.700 tổ chức truyền thông ở Trung Quốc sử dụng Sina Weibo.

– Nga: Vkontakte là mạng xã hội được sử dụng phổ biến ở Nga, cung cấp nhiều tính năng tương tự như Facebook và hoàn toàn đánh bại thị phần của Facebook tại quốc gia này. Khoảng 54% cư dân mạng Nga dùng Vkontakte.

– Mỹ Latin: 59,1% trong tổng số hơn 33 triệu người dùng mạng xã hội Orkut là ở Brazil. Trong khi đó, trang mạng xã hội chuyên chia sẻ liên kết Taringa thường được dùng ở Argentina.

– Châu Âu: Netlog có hơn 94 triệu người dùng và phổ biến khắp châu Âu cũng như các khu vực ở Trung Đông và châu Á.

– Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi Twitter nhận được nhiều lượt truy cập hơn Facebook. Ngoài ra, Mixi là mạng xã hội phổ biến nhất của Nhật Bản với 2 triệu lượt tải trang mỗi ngày.

– Ấn Độ: Ibibo là một dịch vụ mạng xã hội với khoảng 4 triệu người dùng, chiếm khoảng 3% tổng dân số Internet Ấn Độ. Ngoài ra, mạng xã hội Orkut phổ biến ở Mỹ Latin cũng có một lượng người theo dõi mạnh ở Ấn Độ.

(Theo VTC News)

Bài mới
Đọc nhiều