Ra đường là phải bật đèn xe máy 24/24 có hợp lý?
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có đề xuất xe máy phải bật đèn 24/24 khi ra đường.
Việc Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, người dân để có điều chỉnh phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
* Ông Trần Hữu Minh (phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thành viên ban soạn thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi): Xe máy là phương tiện dễ bị tổn thương
VN chính thức tham gia công ước quốc tế về giao thông vào ngày 20-8-2014 và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung trong công ước quốc tế (trừ điều 52 liên quan tới nội dung về pháp lý).
Việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày được quy định rất rõ khoản 32 điều 6 với nội dung “Vào ban ngày, xe máy lưu thông trên đường phải bật ít nhất một đèn chiếu sáng phía trước và một đèn đỏ ở sau”. Công ước quốc tế có giá trị như luật và sau 5 năm bắt buộc phải thực hiện.
Vì thế, nội dung trong dự thảo hiện nay thể hiện sự nhất quán của VN với công ước quốc tế về giao thông mà chúng ta đã tham gia cam kết thực hiện. Công ước này đang được phần lớn các quốc gia trên thế giới tham gia và thực hiện.
Trong khu vực ASEAN chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và VN là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy.
Tất cả các quốc gia khác trong ASEAN đều đã thể chế hóa thành quy định pháp luật và đã thực hiện việc bật đèn nhận diện từ trước đây rất lâu.
Ví dụ các quốc gia có điều kiện thời tiết khí hậu nhiệt đới nắng nóng tương tự VN gồm Thái Lan (từ 2005), Malaysia (từ 1992), Singapore (từ 1995) đều đã áp dụng, Ấn Độ cũng đã áp dụng từ 2017.
Hiện phần lớn các ôtô tại VN đều đã được trang bị loại đèn này. Với xe máy, nhiều mẫu trên thị trường đã được trang bị đèn chạy ban ngày (đèn trước luôn sáng mỗi khi xe chạy), được người dân đón nhận một cách hết sức bình thường và tích cực.
Về mặt khoa học, xe máy là phương tiện dễ bị tổn thương, rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe máy là do các phương tiện khác không nhìn thấy xe máy (kể cả vào ban ngày), bởi vậy cần nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.
Để nâng cao khả năng này, thế giới đã chứng minh cách tốt nhất là dùng đèn nhận diện, có thể là đèn thiết kế theo xe của nhà sản xuất (hoặc là DRL hoặc AHO), hoặc đơn giản là dùng đèn chiếu gần đều đạt được mục tiêu như nhau là nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.
* Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên tổ trưởng xử lý vi phạm – Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội): Không cần thiết
VN có khí hậu nhiệt đới, ít sương mù nên việc quy định bật đèn cả ngày là vô lý, rất khó để lực lượng CSGT xử lý vi phạm. Xe máy bật đèn cả ngày thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả.
Quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít nên cần bật đèn, ở VN thì không cần thiết.
* Anh Lê Hoàng Long (Cầu Giấy, Hà Nội): Chỉ nên khuyến khích
Ở VN xe máy tham gia giao thông nhiều trong khi ở châu Âu xe máy rất ít và có sương mù. Vì thế cá nhân tôi thấy quy tắc này không hợp lý.
Ví dụ một ngã tư xảy ra kẹt xe, các xe lúc nào cũng rọi đèn vào nhau thì rất chói mắt. Bên cạnh đó việc bật đèn cả ngày trong thời tiết nắng nóng sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Tôi nghĩ quy định này mang tính chất tham khảo từ các nước và việc đưa điều này vào dự thảo cũng mang tính chất xây dựng với mong muốn mang lại sự an toàn cho xã hội. Tuy nhiên, điều này chỉ nên khuyến khích chứ không nên bắt buộc.
* Anh Trương Thế Phong (Q.7, TP.HCM): Ngại lúc chạng vạng
Ở góc độ người dân, tôi cho rằng việc xe máy bật đèn chiếu sáng khi ra đường vào ban ngày là không hợp lý. Về vấn đề kỹ thuật, nếu ban ngày bật đèn xe thường xuyên có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ các bộ phận của xe như chóa đèn, bình ăcquy, bóng đèn.
Vào ban ngày nếu bóng đèn màu vàng thì hầu như không có tác dụng, bóng màu trắng thì chỉ hiển thị một điểm sáng nhỏ vì ánh sáng mặt trời lớn hơn.
Thời điểm trời chạng vạng, ánh sáng bắt đầu thay đổi, nếu bật đèn quá sớm có thể gây quáng gà cho người đối diện dẫn tới mất an toàn.
* Tiến sĩ Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường): Phân tích kỹ thấy nên áp dụng
Đèn chiếu sáng cũ trước đây khi chiếu sáng sản sinh ra nhiệt lớn thì có thể gây ảnh hưởng tới môi trường nếu nhiều đèn cùng bật một lúc. Tuy nhiên hiện nay các phương tiện đã được thay thế bằng đèn LED, hiệu quả chiếu sáng tốt, ít tốn nhiên liệu và không sản sinh nhiệt nhiều do đó không có ảnh hưởng đáng kể đến môi trường.
Đề xuất bắt buộc bật đèn khi tham gia giao thông nhìn sơ qua có thể thấy không hợp lý nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là vấn đề nên áp dụng. Việc bật đèn sẽ tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, lâu dài sẽ thành phản xạ có điều kiện, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh, giúp giảm đáng kể tai nạn giao thông.
Ngoài ra, tương lai gần khi luật được áp dụng, các hãng sản xuất phương tiện giao thông sẽ tích hợp các công nghệ mới lên các phương tiện của họ. Ví dụ ở một khoảng cách nhất định khi cảm nhận được có ánh sáng phía trước, bộ phận cảm ứng của phương tiện sẽ có báo động… để người điều khiển biết.
Tại khoản 3 điều 27 quy tắc sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông của dự thảo luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng các quy định trên được tham khảo từ công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ôtô dễ dàng nhận diện, đặc biệt với các xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong xe không phát hiện được.
—–
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Bắc Mỹ đều đang áp dụng việc bật đèn chiếu sáng ban ngày (bao gồm cả xe máy lẫn ôtô) để tham gia giao thông.
Cần nói rõ là đèn chiếu sáng ban ngày (DRL) là một dãy đèn LED gắn phía trước xe, có thể nằm trong cụm đèn pha chiếu sáng hoặc phía trên đèn sương mù, mục đích để giúp người tham gia giao thông phát hiện phương tiện giao thông, giảm thiểu tai nạn.
Theo trang ec.europa.eu, EU đã ban hành quy định chung về DRL từ tháng 2-2011. EU trông đợi quy định mới sẽ tăng cường sự an toàn giao thông đường bộ, giảm thương vong khi tham gia giao thông vì việc bật đèn xe sẽ làm tăng đáng kể khả năng nhận diện cho những người tham gia giao thông khác.
Trước đó, các nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp và một số nước châu Âu khác cũng đã khuyến khích hoặc yêu cầu người tham gia giao thông sử dụng đèn pha chiếu sáng ban ngày trên một số con đường nhất định vào một số thời điểm nhất định trong năm.
Trong khi đó, Mỹ và Canada đã ban hành quy định ôtô phải bật DRL từ cuối thập niên 1980. Quy định này cũng áp dụng đối với xe máy tại Canada nhưng chỉ áp dụng ở 23 tiểu bang của Mỹ.
Úc không có yêu cầu bắt buộc đối với việc bật DRL. Tuy nhiên, Trường CĐ An toàn Úc đã dẫn các tài liệu nghiên cứu của châu Âu trong vòng 3 thập kỷ qua cho thấy rằng bật đèn chạy ban ngày giúp giảm 25% số vụ tai nạn chết người vào ban ngày, 28% số vụ va chạm gây tử vong cho người đi bộ vào ban ngày, 20% tai nạn gây thương tích vào ban ngày và 12% các vụ va chạm nhiều xe ảnh hưởng đến tài sản vào ban ngày.
Theo Taiwan News, cơ quan chịu trách nhiệm về giao thông vận tải của Đài Loan đã ban hành quy định DRL cần được trang bị cho tất cả các loại xe khách và xe máy mới, bắt đầu từ xe máy vào năm 2017, xe khách vào 2018, xe tải và xe buýt từ năm 2019. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với những xe đã đăng ký biển số rồi.
T.PHÙNG – L.PHAN – D.TRỌNG ghi