+
Aa
-
like
comment

Quyết tâm dập dịch Covid-19, TP.HCM triển khai biện pháp mạnh phòng chống

19/06/2021 19:05

Chiều tối 19.6, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo.

Dân quân trực chốt kiểm soát dịch ở Q.Gò Vấp trong 15 ngày giãn cách xã hội /// Ảnh: Độc Lập
Dân quân trực chốt kiểm soát dịch ở Q.Gò Vấp trong 15 ngày giãn cách xã hội

Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm trên địa bàn TP.HCM những ngày qua tăng nhanh ở mức 3 con số mỗi ngày, hiện có hơn 400 điểm được phong tỏa phòng dịch Covid-19.

Ông Dương Anh Đức cho biết thời gian vừa qua TP.HCM phát sinh điểm dịch mới ở Q.Bình Tân và H.Hóc Môn.

Siết chặt phòng dịch, TP.HCM sẽ ngừng xe công nghệ

Tại buổi họp báo tối 19.6, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM sắp ra chỉ thị mới về tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng dịch Covid-19. Bản chỉ thị này chưa được ban hành, tuy nhiên, ông Từ Lương thông tin tới các phóng viên dự buổi họp báo một số điểm mới, ảnh hưởng đến nhiều người dân trong thời gian tới.

Thứ nhất, tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ không cần thiết, dừng các hoạt động của xe taxi, xe công nghệ, xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt.

Thứ 2, không tập trung trên 3 người tại nơi công cộng bên ngoài công sở, bệnh viện, trường học; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 1,5m.

Thứ 3, TP.HCM yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

Thứ 4 là các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy xí nghiệp hoạt động bình thường nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau là 1,5m, mang khẩu trang nơi làm việc, khử trùng, diệt khuẩn; đồng thời có văn bản cam kết tuân thủ biện pháp phòng chống dịch gửi chính quyền địa phương và nơi làm việc.

Thứ 5, các cơ quan nhà nước đảm bảo quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn hạn chế làm việc trực tiếp chuyển sang làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thật sự cần thiết và tuân thủ 5K.

Thứ 6, dừng các cuộc hội họp không cần thiết, nếu tổ chức thì không quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép.

Bên cạnh các chỉ đạo trước đây, TP.HCM áp dụng thêm các quy định trên.

Phó chủ tịch Dương Anh Đức

Sử dụng các biện pháp phong tỏa mạnh

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM thấy rằng cần áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn, đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM, tăng cường tốc độ xử lý để đuổi kịp và chặn đứng lây lan dịch bệnh.

Theo đó, địa phương có mức nguy cơ rất cao sẽ được phong tỏa.

Vì vậy, TP.HCM đã tăng cường bổ sung một số quy định mới, sẽ cập nhật sau. Trong đó, khẩn cấp nhất, UBND TP.HCM đã yêu cầu áp dụng chỉ thị 16 đối khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân.

Ngoài ra, TP.HCM thiết lập phong tỏa thêm một số khu vực, bao gồm: ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 (H.Hóc Môn).

Sau buổi họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 chiều nay, TP.HCM bổ sung một số quy định giãn cách, cơ bản là thực hiện các biện pháp mạnh ở các điểm trọng điểm.

Lực lượng chức năng sẽ chốt chặn các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào khu vực giãn cách để kiểm soát dịch bệnh Covid-19

Thiết lập vùng phong tỏa trong 14 ngày

Ông Đức cho biết nguyên tắc phong tỏa là người dân không đi ra, không đi vào khu vực này, người trong khu phong tỏa phải giãn cách.

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 20.6, Q.Bình Tân thiết lập vùng phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc trong thời gian 14 ngày.

UBND Q.Bình Tân có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch; an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra, vào các khu vực thực hiện phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa. Các sở, ngành liên quan, UBND các địa bàn giáp ranh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hỗ trợ Q.Bình Tân thực hiện tốt chỉ đạo nêu trên.

Tại sao các chỉ đạo của UBND TP.HCM chưa được thực hiện nghiêm?

Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi về việc thời gian qua, việc thực hiện các chỉ đạo của UBND TP.HCM chưa được nghiêm, vậy TP.HCM sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ông Đức cho biết quan điểm nhất quán của UBND TP.HCM là xem xét, cân nhắc nếu ai làm tốt thì có động viên, khen thưởng; nếu làm không tốt thì phê bình, nhắc nhở nếu nhẹ, và sẽ áp dụng biện pháp cao hơn nữa nếu có vi phạm.

Vấn đề là, trong thời gian chống dịch cần phải xốc lại tinh thần làm việc, rất cần sự hợp tác của người dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Sau đó, chúng ta sẽ ngồi lại với nhau nghiêm túc rút kinh nghiệm, trường hợp nào cần xử lý thì thành phố sẽ xử lý nghiêm. Trong tuần tới là thời gian được Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá là rất quan trọng để chặn đứng dịch bệnh. Vì vậy, đơn vị, cá nhân nào mà không nghiêm túc thực hiện thì sẽ bị xử lý ngay lập tức”, ông Đức khẳng định.

Cũng theo ông Dương Anh Đức, thời gian qua, TP.HCM đã có xem xét, nhắc nhở những nơi chưa tốt để củng cố và làm tốt hơn. Đánh giá của Ban chỉ đạo là về mặt tổng thể, việc thực hiện các chỉ đạo của UBND TP.HCM chưa được thực hiện nghiêm. Sắp tới, việc này phải được siết chặt kỷ cương hơn nữa. Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao trách nhiệm cho thủ trưởng các sở ngành và địa phương, nếu xảy ra sự cố, sai sót thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Một khu vực trong chợ Phú Nhuận bị phong tỏa, hạn chế người ra vào, trưa 21/5.

TP.HCM giải tán chợ tự phát

Phát biểu kết thúc họp báo, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tái khẳng định TP sẽ không áp dụng cứng Chỉ thị 15 hay 16, mà trên nền 2 chỉ thị này sẽ ban hành một chỉ thị riêng phù hợp với TP.

Thành phố cũng sẽ bổ sung thêm biện pháp ở những địa bàn có ca nhiễm tăng cao.

Chỉ thị mới sẽ có 6 điểm.

Thứ nhất là tạm dừng các hoạt động không cần thiết, dừng taxi, giải tán chợ tự phát. Chợ truyền thống sẽ do Sở Công Thương hướng dẫn quy định giãn cách chi tiết tới từng địa phương.

Thứ hai là không tụ tập trên 3 người ở nơi công cộng. Khoảng cách giữa người với người tối thiểu 1,5 m.

Thứ ba là yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.

Thứ tư là cơ sở sản xuất hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m, đeo khẩu trang; có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch.

Thứ năm, cơ quan Nhà nước đảm bảo giãn cách khi làm việc. Doanh nghiệp chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết.

Thứ sáu, dừng các hội họp không cần thiết, chỉ tổ chức cuộc họp thực sự quan trọng và được chính quyền địa phương cho phép.

TP.HCM sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể nào ?

Ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình, hoàn cảnh hiện nay địa phương, không chỉ căn cứ theo các Chỉ thị của Chính phủ mà cơ bản còn dựa trên các quy định của Bộ Y tế về đánh giá mức độ, nguy cơ: Nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh).

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều