Quyết tâm chống tham nhũng đến cùng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Đây được xem là một trong những “hành động nóng” tiếp theo của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước.
Theo quyết định, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng ban. Phó Trưởng ban gồm 6 người: Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (thường trực); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ; Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tổ công tác liên ngành, phân công các thành viên, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
Với những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết hiện nay trong công tác tổ chức, quản lý bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, từ trưởng ban, phó ban cho đến các thành viên của Ban chỉ đạo đều là những lãnh đạo, những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất tốt, việc thành lập Ban Chỉ đạo nhận được sự ủng hộ lớn từ phía dư luận Nhân dân. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những kẻ mang tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc việc thành lập Ban chỉ đạo là do nội bộ Đảng “phe cánh, giữ ghế”, “làm phình bộ máy, gây tốn tiền ngân sách, “Ban chỉ đạo chỉ chủ yếu đi hù, dọa mấy tay chạy chức mà yếu bóng vía, để rằm ba tết mọn mang đến cúng viếng xã giao…”,… Nói dài dòng, dai dẳng, quanh đi quẩn lại, cái đích đến cuối cùng vẫn là xuyên tạc nhằm phá hoại Đại hội XIII.
Trong vấn đề này, có thể chỉ ra một số kiểu ngụy biện được sử dụng để đánh lừa người đọc như sau:
Thứ nhất, cũng là quan trọng nhất, quy kết rằng việc thành lập các “Ban Chỉ đạo” là việc làm “phình bộ máy”, “tăng ghế”…
Thực tế, các Ban chỉ đạo được thành lập dựa trên các yêu cầu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với những nội dung nhiệm vụ tình hình thực tiễn như phòng, chống tham nhũng, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai,… Đáng lưu ý, nhân sự được kiện toàn chủ yếu dưới hình thức “kiêm nhiệm”, tức những người này thực chất là đang giữ các chức vụ, hoạt động tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của Ban chỉ đạo. Như vậy, việc “phình thêm bộ máy” hay “tăng ghế” là không có. Đồng thời, ngân sách chi cho hoạt động của các Ban chỉ đạo không phải là nguồn chi thường xuyên như trả lương cho cán bộ, công chức, mức chi cũng không cao nhưng đáp ứng được tính hiệu quả cho hoạt động của Ban chỉ đạo.
Lấy ví dụ về các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành trên cả nước, việc chi một phần ngân sách nhưng đảm bảo hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương rõ ràng là một mức chi hợp lý và rất cần thiết. Để có những thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, các ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương đã phải làm việc hết trách nhiệm, cả ngày đến đêm mà nào thấy có ai “đòi trả lương thêm”? Không tăng ghế, không phình bộ máy, đó là tăng thêm trách nhiệm của cán bộ, công chức!
Thứ hai, đánh đồng chức năng của các cơ quan như Ban Nội Chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương với Thanh Tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương với Bộ Nội vụ, rồi tiếp tục kết luận là “chồng chéo, chiếm tiền thuế của dân”.
Trong việc này, phải phân biệt rõ, Ban Nội Chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương là các cơ quan Đảng, còn Thanh Tra Chính phủ, Bộ Nội vụ là các cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước. Với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý” tại nước ta, các cơ quan nêu trên hoàn toàn không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Mặt khác, các cơ quan trong Đảng cũng có nguồn thu từ Đảng viên để duy trì các hoạt động của mình chứ không phụ thuộc tuyệt đối vào ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, xuyên tạc về hoạt động của các ban chỉ đạo như việc quy kết Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng chỉ là “đi hù dọa…”.
Thực tiễn đánh giá công tác quản lý Nhà nước thời gian qua cho thấy, các Ban chỉ đạo hoạt động rất hiệu quả trong việc tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương. Do đó, thật nực cười khi dám quy kết rằng một Ban chỉ đạo được lập ra để “đi hù dọa…”. Hơn hết, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đạt được rất nhiều thành tích đáng ghi nhận, việc thành lập một Ban chỉ đạo để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho các giai đoạn tiếp theo là cần thiết phải làm.
Với tất cả những đánh giá khách quan, tôn trọng sự thật như thế, dễ dàng nhận ra đâu là lời lẽ của những kẻ xảo trá muốn xuyên tạc, bóp méo sự thật công tác lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước nhằm phá hoại sự thành công của Đại hội XIII. Trước lời lẽ của những kẻ “lưu manh” này, chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác và có chính kiến riêng.
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả