+
Aa
-
like
comment

Quyết sách đặc biệt vào những thời điểm khó khăn

20/10/2021 10:51

Trong hai năm qua, những cường quốc có bom nguyên tử, tên lửa liên lục địa, tàu ngầm hạt nhân, tàu vũ trụ phải “chịu thua” con virus nhỏ bé như vô hình này. Việt Nam, tưởng như ngoại lệ, nhưng rồi không thoát được. 

Cận cảnh công trình xây dựng nhà ga metro Bến Thành sâu 32m trong lòng đất – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tăng trưởng kinh tế bị giáng đòn nặng, chi phí chống dịch tạo nhiều gánh nặng tài chính và để phục hồi phải vay thêm nợ công. Kinh tế, văn hóa, giáo dục, quan hệ cá nhân và xã hội bị gián đoạn, cách ly, chia cắt.

Đã có hơn 20.000 người tử vong, để lại hàng ngàn trẻ mồ côi và hàng vạn cảnh đời đơn chiếc, cơ nhỡ, khó khăn.

Quốc hội khóa XV nhóm họp kỳ 2 vào thời điểm như vậy của đất nước. Ước muốn đầu tiên của đại đa số người dân là Nhà nước phải có giải pháp và đối sách hữu hiệu để hạn chế tác hại của đại dịch, để người dân được trở lại làm việc, học hành, sinh sống dù trong điều kiện “bình thường mới”.

Để làm được điều đó, Quốc hội và Chính phủ cần có chiến lược “thích ứng an toàn với COVID-19” ở tầm quốc gia, nhằm điều chỉnh toàn diện từ cách thức quản lý nhà nước đến quản trị doanh nghiệp; từ chính trị đến kinh tế, y tế, văn hóa và giáo dục; từ lối sống cá nhân đến giao tiếp, quan hệ của gia đình, nhóm, cộng đồng và xã hội.

Chiến lược đó phải được xây dựng khoa học, có tính khả thi cao và ban hành thành nghị quyết của Quốc hội hay Chính phủ. Chiến lược nhằm cung cấp cho 100 triệu dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp những định hướng, hành lang, lộ trình và giải pháp trung và dài hạn nhằm thích ứng an toàn với COVID-19 để cùng với thế giới chiến thắng nó.

Xây dựng chiến lược quốc gia “thích ứng an toàn với COVID-19” là để khắc phục những chủ trương bột phát, tức thời và hay thay đổi, những biện pháp mang tính cục bộ địa phương, những quy định xa lạ với thực tiễn, những hành vi vô cảm với lợi ích của người dân, cũng là để làm rõ trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo các ngành, các cấp hiện nay và về sau.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán tại chỗ. Ảnh: Phạm Thắng.

Một chân lý đã được chứng minh: từng nước riêng lẻ, dù là giàu nhất hay phát triển nhất, cũng không thể chống COVID-19 thành công. Là nước đang phát triển, Việt Nam cần học tập sâu kinh nghiệm nước khác và tranh thủ sự chi viện của bạn bè quốc tế.

Việt Nam đã tranh thủ “ngoại giao vắc xin” với những kết quả tích cực. Vắc xin càng tốt, diện tiêm chủng càng rộng càng tạo niềm tin cho các nước khi hội nhập trở lại với Việt Nam và ngược lại.

Với TP.HCM, nơi COVID-19 gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của, đang chuyển sang “bình thường mới” một cách thận trọng và đầy khó khăn. Thống kê chính thức, thành phố có  hơn 9 triệu dân, nhưng thực tế luôn có 13, 14 triệu người sống, làm việc, học tập và dịch bệnh đã lộ ra những khiếm khuyết của sự quá tải, chật chội.

Thành phố không đủ nguồn lực để khắc phục hạ tầng đang tụt hậu, cản trở phát triển, đã đề xuất trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23% (giai đoạn 2022 – 2025) để huy động thêm hàng trăm ngàn tỉ vốn xã hội khắc phục hạ tầng tụt hậu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ủng hộ đề xuất này.

Tàn phá của đại dịch khiến việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách lại càng cấp thiết, tránh được nhiều gián đoạn, đổ vỡ thậm chí nghiêm trọng.

Thời khắc khó khăn, cần quyết sách đặc biệt. Người dân của thành phố nơi đóng góp hơn 1/4 ngân sách quốc gia mong mỏi Quốc hội thông qua và áp dụng tỉ lệ điều tiết ngân sách 23% cho thành phố trong năm 2022 và những năm sau tại kỳ họp này.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều