+
Aa
-
like
comment

Quyết không để xảy ra tình trạng dự án sai phép chỉ phạt cho tồn tại

19/09/2019 14:00

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: Những vi phạm của thanh tra chuyên ngành được xử lý nghiêm và với các công trình sai phép, không phép không có chuyện “phạt cho tồn tại” nữa.

Vẫn còn hình thức “phạt cho tồn tại”

Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhấn mạnh, thực tế luật hiện hành không vướng nhiều về mặt kỹ thuật mà chủ yếu vướng ở quản lý trật tự xây dựng. Do đó, nếu sửa luật phải đảm bảo ai cũng phải thực hiện nghiêm túc về trật tự xây dựng và công tác quản lý, làm sai luật là phải có chế tài.

“Ngay như phòng cháy chữa cháy, đi giám sát đến đâu cũng thấy lo ngại, giờ bước vào chung cư cao tầng thấy sợ. Việc xử lý hoàn toàn trong tầm tay, có nhiều cơ quan nhưng thực tế đã cháy là rất khó chữa” – ông Tuý nhấn mạnh và cho rằng dự thảo luật chưa bật ra được vấn đề quản lý trật tự xây dựng.

saiphep
Sai phạm trong xây dựng của tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa được giải quyết triệt để

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì băn khoăn khi báo cáo tổng kết sau hơn 4 năm thực hiện luật hiện hành đánh giá “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”. Theo bà Nga, phải đánh giá đúng mới xem xét việc sửa các quy định phù hợp vì có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện, cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp trong khi có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền.

“Đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà là có người đến ngay nhưng những công trình lớn như các đồng chí nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu? Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào? Chúng tôi đề nghị rõ trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương”- bà Nga nêu ý kiến, đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng chấn chỉnh lực lượng thanh tra chuyên ngành sau những sự việc thời gian qua.

Bà Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề công trình đầu tư công thường làm lâu nhưng xuống cấp nhanh. Vậy lỗi gì trong luật này dẫn đến tình trạng đó? Lâu nay có khái niệm “rút ruột công trình” thì quy trình hoạt động xây dựng như thế nào dẫn đến thực trạng này? Hay thực tiễn việc tháo dỡ công trình số 8 Lê Trực đặt ra vấn đề gì? Những nội dung này cần đánh giá để sửa luật đảm bảo chất lượng, tuổi đời của luật được lâu hơn.

Nêu phản ánh của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, người dân băn khoăn khi khó khăn trong xin phép xây dựng nhưng có công trình vi phạm lại ngang nhiên tồn tại.

“Có hiện tượng “phạt cho tồn tại” thì luật này phải đưa ra nguyên tắc phạt phải xử lý, bởi cho tồn tại là mất tính răn đe, dẫn đến tình trạng cứ có tiền nộp phạt là được tồn tại” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh và đề cập việc người dân lo lắng về công trình xen kẽ trong khu dân cư tiềm ẩn sự ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, không chỉ như vụ cháy Công ty Rạng Đông mà còn nhiều cơ sở khác sang chiết gas, kinh doanh vật liệu dễ gây cháy, nổ.

“Tất cả ý kiến nói về bức xúc, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn xác đáng” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà mở đầu phần giải trình, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa qua đã tiếp thu và có động thái xử lý như ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó có về quy hoạch, nhà chung cư, phòng cháy chữa cháy…

Ông Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Xây dựng năm 2014 có 186 điều, thực hiện mới được hơn 4 năm nên lần này Chính phủ chỉ trình sửa mấy vấn đề chủ yếu đổi mới, cải thiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật khi một số luật khác liên quan đã và đang được sửa đổi.

Cần giải quyết dứt khoát tình trạng “phạt cho tồn tại” trong xây dựng

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn khá phổ biến là do một thời gian dài buông lỏng quản lý. Việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương về hoạt động đầu tư xây dựng mặc dù là xu hướng đúng đắn, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đồng thời, ý thức của người dân trong tuân thủ quy định về xây dựng công trình cũng chưa cao, thường xuyên “lách luật” xây vượt, sai phép.

Người dân bức xúc khi chỉ cần sửa chữa nhà cửa với quy mô nhỏ đã thấy ngay các lực lượng chức năng xuống kiểm tra, nhưng nhiều dự án lớn, sai phạm đầy rẫy, chỉ đến khi đưa vào sử dụng mới phát hiện, xử lý, thậm chí nhiều dự án “dây dưa” đến nay chưa thể giải quyết gọn gàng.

Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi là do công tác tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, do vậy mới có chuyện xây dựng sai phép, không phép, “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”, quy hoạch bẻ theo dự án, chủ đích của chủ đầu tư. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm xây dựng mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính cho nên không có tính răn đe, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt nếu phần vi phạm đem lại lợi ích nhiều hơn phần xử phạt.

Sự yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, nắm địa bàn thể hiện khá rõ, từ việc các vi phạm thường không ở những nơi hẻo lánh, mà xuất hiện tại các thửa đất nằm trên mặt tiền các trục đường chính. Trước tình trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Đó là hệ quả của việc cơ quan chức năng quản lý địa bàn yếu kém, hay do địa phương buông lỏng quản lý? Thậm chí nghi vấn có hay không chuyện “bảo kê” của chính quyền địa phương cho các công trình nêu trên?

Bởi lẽ, những công trình thời gian qua bị cưỡng chế hoặc trong giai đoạn chờ cưỡng chế đều nằm ở vị trí trung tâm, có những địa điểm cách UBND phường chỉ vài bước chân, vì thế các cơ quan chức năng không thể không biết. Tình trạng “phạt cho tồn tại” chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng…

Thủ tướng đang tiến tới Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là những mục tiêu, quan điểm nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo Thủ tướng, “Phạt cho tồn tại” là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải…

Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và các biện pháp để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nên tình trạng này đã từng bước được hạn chế như trong lĩnh vực quản lý đê điều, giao thông vận tải… nhưng vẫn là chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị.

Công tác quy hoạch phải bảo đảm công khai, minh bạch trong việc lập, phê duyệt và công bố quy hoạch theo quy định của pháp luật; chú trọng công tác quy hoạch gắn với giảm áp lực dân số nội đô, phù hợp với hệ thống hạ tầng, cảnh quan đô thị; sớm phê duyệt các loại quy hoạch theo Luật Quy hoạch nhằm hạn chế những bất cập của công tác quy hoạch hiện nay; kiểm soát và xử lý tình trạng quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện.

Hồng Đinh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều