+
Aa
-
like
comment

Quyết định xóa bỏ “viên chức suốt đời”: Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc

Hồng ĐInh - 06/12/2019 17:17

Trong công tác cán bộ, nếu chỉ dựa vào “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ” để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,20%). Một trong những điểm mới của luật là sẽ không giữ hợp đồng “không xác định thời hạn” kể từ 1/7/2020.

Xóa bỏ “viên chức suốt đời” sẽ loại được tới 30% số công chức không có cũng được trong bộ máy nhà nước

Bỏ “viên chức suốt đời” chấm dứt cảnh “sáng vác ô đi…”

Bỏ chế độ “viên chức suốt đời” sẽ là quyết định hiệu quả, tác động lớn vào sức ì và sự ỷ lại, đồng thời chấm dứt tình trạng “sáng vác ô đi, tối vác về”. Đây sẽ là động lực cho sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ để phát triển của đội ngũ viên chức.

Sau thời điểm 1/7/2020, khi các cơ quan đơn vị ký hợp đồng lao động với người lao động, sẽ không còn kiểu hợp đồng “không xác định thời hạn” nữa. Trước nay, chỉ cần ký được cái hợp đồng Viên chức “không xác định thời hạn” này thì cán bộ viên chức có thể xem như mình sẽ nghiễm nhiên có được cái danh xưng “viên chức suốt đời”, không ai đụng đến nữa dù chất lượng công việc, thái độ làm việc có tệ đến đâu.

Bỏ “viên chức suốt đời” được kỳ vọng loại bỏ “cán bộ cắp ô”, nhường ghế cho người tài. Tuy nhiên quy định này còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo công bằng.

Lâu nay, dù báo cáo hàng năm cho thấy chúng ta đã thực hiện tinh giản biên chế được một tỉ lệ nhất định, song đó mới là giảm tự nhiên chứ chưa được gọi là giảm yếu kém. Ví dụ là tinh giản mới chỉ nhắm đến những đối tượng đã nghỉ hưu, chuẩn bị nghỉ hưu, với những đối tượng này sẽ là cho nghỉ hưu trước tuổi và nhà nước chi trả một cục, chứ không phải giảm những người yếu kém, không làm được việc. Cách đặt vấn đề, đặt mục tiêu tinh giản 10% là chưa phù hợp nên giảm không đúng người.

Tinh giản hiệu quả là phải giảm những người thừa, để xác định được người thừa phải căn cứ vào vị trí việc làm. Không phải muốn cắt ở đâu, cắt thế nào cũng được, cắt bừa bãi sẽ dẫn tới tình trạng người làm được việc thì đi, người không làm được việc thì ở lại, gây bất cập thời gian qua.

Quan trọng hơn, xác định cho rõ vị trí việc làm để trả lương theo năng lực, hiệu quả công việc. Khi tiền lương gắn với năng lực, trình độ và kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức mà không phụ thuộc vào thâm niên, kinh nghiệm công tác sẽ tạo động lực nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Cá nhân có năng lực yếu kém sẽ bị loại bỏ khỏi bộ máy sau quyết định xóa bỏ “viên chức suốt đời”.

Xóa bỏ việc dựa vào “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ” để viên chức đổi mới, sáng tạo

Thực tế này đã tồn tại từ nhiều năm nay, nếu muốn hóa giải được nút mắc này cũng cần có thời gian. Nhưng rõ ràng, nếu thực hiện đánh giá theo cơ chế xác định vị trí việc làm sẽ không còn cần cơ chế đánh giá, bình bầu, như vậy cũng không còn tình trạng “dưới hát, trên khen hay nữa”. Từ vị trí công việc sẽ xác định rõ năng lực, hiệu quả của từng người, qua đó sẽ đánh giá được cán bộ, công chức nào làm được việc, không làm được việc, người nào cần giữ, người nào phải đưa ra khỏi bộ máy. Khi càng minh bạch, mọi tiêu chí càng được tường minh hóa, thì mọi vướng mắc sẽ được hóa giải.

Nếu trong hệ thống cơ quan nhà nước mà xuất hiện (nếu không muốn nói là rất nhiều) những ông bà “viên chức suốt đời” đó như hiện nay thì cũng đủ hiểu, người dân sẽ phải mệt mỏi thế nào. Bởi hầu như không ai động đến họ, họ giống như một con ốc đã được gắn vào cỗ máy, không thể bị vứt bỏ đi, chỉ bởi cái danh xưng “viên chức suốt đời”. Họ sẽ là những “công chức cắp ô” sáng cắp ô đi tối cắp về, đến quán cà phê trước khi đến cơ quan, thiên hạ vội chứ mình đâu có vội.

Lại nói đến một con số rất đáng lo hiện nay, đó là số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bao gồm cả các đối tượng chính sách. Đó là con số chính thức được cung cấp tại Hội nghị “Chính phủ và Chính quyền địa phương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/8/2018 (cập nhật đến tháng 3/2018).

Với dân số 100 triệu dân mà có hơn 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách cho thấy một phần lớn ngân sách đang được dành để nuôi lực lượng này. Trong khi, hiệu quả công việc của nhiều bộ phận cơ quan nhà nước vẫn khiến người dân kêu ca, phàn nàn?

Để trụ vững khi không còn chế độ “viên chức suốt đời”, viên chức phải cống hiến hết mình để giữ vị trí.

Đó là chưa kể đến những cán bộ “viên chức suốt đời” cá biệt còn lên mặt hành dân, nói năng cộc lốc, thô lỗ, đùa cợt, thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu thiện chí mà báo chí đã phản ánh nhiều lần. Dường như, họ đang cho rằng hành dân là một “đặc quyền, đặc lợi” của cái danh hiệu “viên chức suốt đời”!.

Từ thực tế giảm đi số lượng nhân sự đi đôi với tăng lên chất lượng lao động, người được giữ lại ít hơn nên bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực, cố gắng để đạt được mục tiêu công tác đề ra, đạt hiệu quả công việc tốt hơn, khắc phục lối sống vô trách nhiệm, ỷ lại, tinh thần thái độ làm việc thiếu nhiệt tình, năng nổ vì nghĩ mình “viên chức suốt đời” nên không dễ gì bị sa thải.

Trong chế độ “viên chức suốt đời” hiện hành, tồn tại một thực tế là: Mặc dù mức lương trong biên chế của người lao động thường rất thấp nhưng an toàn, nên một bộ phận viên chức vẫn an phận thủ thường, thiếu sáng tạo trong việc công, chỉ năng nổ trong việc riêng với tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”. Bộ phận VC này luôn tìm mọi cách đi làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Không ai chịu trách nhiệm cá nhân về những sai phạm trong công việc, mà luôn luôn dựa dẫm vào tập thể cùng sẻ chia trách nhiệm.

Cho nên chế độ “viên chức suốt đời” được xóa bỏ sẽ kích thích viên chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục tâm lý trì trệ, ỷ lại trong công việc. Đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng thể hiện năng lực, phấn đấu được ký hợp đồng xác định thời hạn liên tục, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả, năng suất lao động.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều