+
Aa
-
like
comment

Quyết định từ bỏ “Zero Covid”, Đài Loan vượt mặt Trung Quốc như thế nào?

Bảo Trâm - 09/05/2022 12:30

Trong khi Thượng Hải và Bắc Kinh vẫn đang chìm vào xét nghiệm và phong tỏa để duy trì chiến lược “Zero Covid” thì Đài Loan đã dần chuyển sang trạng thái “thích ứng với dịch bệnh” mặc cho số ca nhiễm vẫn đang tăng cao ở mức kỷ lục.

Theo Bloomberg, khi cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan đều phải đối mặt với đợt bùng phát dịch do biến chủng Omicron gây ra, khoảng cách trong cách tiếp cận chống virus tại hai nơi này ngày càng lớn. Cụ thể, giới chức Đài Loan dần dần từ bỏ chính sách “Zero Covid-19” và gỡ bỏ các hạn chế ngay cả khi số ca mắc tăng cao kỷ lục.

Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, chính phủ đã áp đặt các biện pháp phong tỏa toàn bộ hoặc một phần ở hàng chục thành phố, nơi sinh sống của hàng trăm triệu người, trong nỗ lực chặn đứng các cụm lây nhiễm.

Trong khi đó, ở Đài Loan, các cơ quan y tế lại loại bỏ dần việc truy vết, giảm thời gian cách ly và thực hiện chiến dịch để xoa dịu những lo ngại của công chúng về virus.

Phát biểu với các phóng viên tại Đài Bắc hôm 3/5, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih Chung cho biết giới chức địa phương hy vọng đợt bùng phát dịch này cuối cùng sẽ tới lúc “giống như bệnh cúm”.

Đài Loan từ bỏ “Zero Covid”

Nhà chức trách và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần bác bỏ việc so sánh Covid-19 với bệnh cúm, nêu bật mối nguy hiểm của virus corona và những biến chủng mới, ngay cả khi số ca mắc giảm.

Người dân Đài Loan dần quay lại cuộc sống bình thường, xem Covid-19 như cúm mùa

Gần đây nhất, kết thúc chuyến thăm Thượng Hải, nơi các ca mắc Covid-19 hàng ngày đã giảm xuống hơn 5 lần so với mức cao nhất là khoảng 27.000 vào ba tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan nói với các quan chức rằng thành phố phải “cách ly tất cả người cần cách ly” và ngăn chặn sự bùng phát trở lại của virus. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc kiên quyết thực hiện chính sách “Zero Covid” đến cùng.

Trung Quốc đã báo cáo gần 5.500 trường hợp mới vào hôm 4/5, bao gồm 51 trường hợp ở Bắc Kinh, nơi các nhà chức trách áp dụng biện pháp phong tỏa một số khu vực và hạn chế di chuyển để tránh lặp lại kịch bản ở Thượng Hải.

Trong khi đó, cùng ngày, Đài Loan ghi nhận số trường hợp nhiễm trong ngày ở mức kỷ lục là 28.420.

Cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan từng mắc kẹt với chính “Zero Covid-19” vì những lý do giống nhau, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi tương đối thấp.

Theo số liệu của chính phủ, chỉ hơn một nửa số người già Trung Quốc trên 80 tuổi đã được tiêm hai liều vaccine vào giữa tháng 3 và ít hơn 1/5 được tiêm nhắc lại. Con số này ở Đài Loan cao hơn, với khoảng 60% người trên 75 tuổi được tiêm mũi nhắc lại. Thế nhưng, gần 20% người già vẫn chưa được tiêm mũi nào.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách Đài Loan và Trung Quốc đại lục đối phó với biến chủng Omicron đang ngày càng rõ.

Ở Trung Quốc, chính sách “Zero Covid” đã phải trả giá đắt. Đặc biệt, tình trạng thiếu lương thực và những bước đi sai lầm ở Thượng Hải – trung tâm tài chính hàng đầu đang bị phong tỏa – đã làm xói mòn lòng tin của người dân. Trong khi đó, tác động của việc cắt giảm sản xuất và chi tiêu tiêu dùng ảnh hưởng nặng nề nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các quan chức y tế Đài Loan đã dứt khoát bác bỏ quan điểm đi theo chính sách chống dịch của Trung Quốc đại lục. “Vẫn có người yêu cầu tôi học hỏi từ Thượng Hải. Tôi thực sự không thể tìm ra điều gì tôi có thể học được”, ông Chen nói vào giữa tháng 4, khi số ca mắc Covid-19 ở Đài Loan chỉ mới bắt đầu gia tăng.

Thay đổi tâm lý

Giới chức Đài Loan đã dần nới lỏng hạn chế ngay cả khi các trường hợp nhiễm tăng, nhằm mục đích tiến tới sống chung với virus giống như phần còn lại của thế giới.

Tuần trước, Đài Loan đã từ bỏ hệ thống truy vết hàng loạt, sử dụng kết hợp mã QR và tin nhắn văn bản để theo dõi. Giới chức địa phương cũng giảm thời gian cách ly tại nhà với những đối tượng tiếp xúc gần từ 10 ngày xuống còn 3 ngày

Các quan chức y tế Đài Loan hôm 3/5 thông báo thêm việc kiểm dịch bắt buộc tại nơi ở đối với khách du lịch cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

Ông Ho Mei-shang, một chuyên gia nghiên cứu về virus học tại Academia Sinica, viện nghiên cứu của Đài Loan, cho biết một trong những thách thức đối với hòn đảo là thuyết phục người dân. Trước đó, hầu hết họ đã quen sống trong “bong bóng khép kín”, vì vậy có thể phản ứng thái quá khi số ca mắc tăng.

“Chúng tôi phải điều chỉnh lại một chút và phần khó nhất là về mặt tâm lý”, bà nói.

Đài Loan cũng quyết định cắt giảm ngày cách ly đối với du khách trong bối cảnh dần dần thích ứng với Covid-19

Trong bối cảnh đó, các quan chức y tế Đài Loan đã nhấn mạnh hơn 99,5% người mắc Covid-19 là ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Họ tô đậm con số này với phông chữ lớn và để màu hồng trong các báo cáo hàng ngày được gửi trên mạng xã hội.

“Virus càng đến gần, chúng ta càng phải bình tĩnh hơn”, người đứng đầu Đài Loan Thái Văn Anh cho biết sau chuyến thăm đến Trung tâm kiểm soát dịch tễ của hòn đảo này vào tuần trước.

Bà Hsin Shih, một y tá tại bệnh viện ở thành phố Đài Trung, Đài Loan, cho biết nỗi lo sợ Covd-19 đã lan rộng trong đợt bùng phát dịch do biến thể Alpha gây ra vào năm ngoái, khiến một số bệnh nhân mắc các bệnh khác tránh đến bệnh viện. Thế nhưng, điều đó không xảy ra với làn sóng dịch hiện tại.

“Bây giờ bệnh viện còn đông đúc hơn cả khi siêu thị tổ chức đợt giảm giá kỷ niệm”, bà Hsin Shih nói.

Dù vậy, các chuyên gia y tế công cộng cho biết rủi ro đối với Đài Loan trong việc nới lỏng kiểm soát vẫn còn rất lớn do còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm chủng.

Ông Chen, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan, bày tỏ lo ngại về tiến độ chậm chạp trong việc tiêm chủng cho người cao tuổi vào hôm 3/5, sau khi 5 người già không tiêm vaccine đã chết vì Covid-19.

Bảo Trâm (Theo SCMP, Bloomberg)

Bài mới
Đọc nhiều