+
Aa
-
like
comment

Quyền lực thứ tư và ba dấu hiệu đáng ngờ trong bầu cử Mỹ

13/11/2020 13:32

Với cơ chế tam quyền phân lập và nguyên lý kiềm chế lẫn nhau của chính trị Hoa Kỳ thì đáng lý ra, ngày bầu cử đã được tiến hành trơn tru, minh bạch và kết thúc nhanh gọn nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay. Điều gì đã xảy ra và tại sao cuộc bầu cử năm 2020 lại xuất hiện những dấu hiệu cực kỳ khó hiểu, biến thành trò cười với vô số tranh cãi?

Chưa bao giờ bầu cử Mỹ rơi vào tình thế hỗn loạn như năm nay.

Bất thường thứ nhất: Biden nhận được sự ủng hộ cao hơn cả Obama trong địa hạt của người da màu

Milwaukee là thành phố lớn nhất của Tiểu bang chiến trường Wisconsin, chỉ cách Chicago 90 phút đi xe và có tỷ lệ người da đen gần 40%. Năm 2008 ứng viên Barrack Obama nhận được 316,916 phiếu bầu tại đây và thắng dễ dàng John McCain. Năm 2020 Joe Biden nhận được đến 317,251 phiếu. Đáng chú ý là trong 12 năm, dân số trung tâm Milwaukee giảm chứ không tăng và từ năm 2010 thành phố đã mất gần 10.000 cư dân. Việc giảm dân số lý giải phần nào cho việc ông Trump có ít hơn ông McCain 13.000 phiếu nhưng cũng có nghĩa là ông Biden giành được tỷ lệ ủng hộ lớn hơn cả ông Obama tại đây. Tỉ lệ cử tri da đen trong toàn quốc bầu cho ông Donald Trump đã tăng 5% so với năm 2016 (13% lên 18%), trong khi đó ông Obama là Tổng Thống nhận được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của người da đen. Vậy có nghĩa là chương trình vận động của ông Biden đã rất thành công ở Milwaukee nói riêng và Wisconsin nói chung?

Không hẳn là như vậy, Hội nghị quốc gia Đảng Dân Chủ đã hủy bỏ sự kiện tại Milwaukee vào tháng 8 do lo ngại dịch Covid-19. Ông Joe Biden cũng chỉ có 2 cuộc vận động tại Wisconsin trước Ngày bầu cử. Vậy điều gì có thể lí giải cho sự thành công của Biden tại Milwaukee để cuối cùng ông thắng Wisconsin một cách rất sít sao?

Bất thường thứ hai: Những lá phiếu chỉ có mỗi tên Biden.

Trên mỗi lá phiếu cử tri Mỹ không chỉ bầu chọn Tổng thống mà tùy theo từng bang sẽ có những dự luật, ứng viên vào nghị viện cũng như các dân biểu địa phương. Cử tri bỏ trống tất cả mà chỉ bầu cho Tổng thống thì cũng được, tuy nhiên xác suất cho những phiếu bầu này khá nhỏ do tâm lý chung khi thực hiện quyền dân chủ. Thông thường, số người chỉ bỏ phiếu cho ứng viên một đảng chiếm tỷ lệ khá cao.

Tại Tiểu bang Georgia truyền thống bầu cho Đảng Cộng Hòa trong 6 lần bầu cử gần nhất, phong độ của ông Joe Biden làm giới quan sát ngạc nhiên. Song song với bầu cử Tổng thống, Georgia năm nay diễn ra cuộc đua vào thượng viện rất gay cấn giữa ông David Perdue đại diện cho Cộng Hòa và Jon Ossoff phe Dân Chủ.

Để so sánh:

– Ông Perdue nhận được 2.456.211 phiếu. Ossoff 2.365.916 phiếu. Cộng hòa hơn Dân chủ 90.265 phiếu. Tổng số phiếu 4.822.127 đã trừ số phiếu của ứng viên đảng thứ 3 Shane Hazel.

– Ông Trump nhận được 2.455.305 phiếu. Biden 2.465.500 phiếu. Dân chủ hơn Cộng Hòa 10.196 phiếu. Tổng số phiếu 4.920.805 đã trừ số phiếu của ứng viên đảng thứ 3 Jo Jorgensen).

Tương quan cuộc đua của các ứng viên tại Georgia cho thấy khoảng cách gần 100.000 phiếu chỉ bầu cho mỗi ông Joe Biden.

Như vậy, tổng số phiếu mà hai ứng viên Tổng thống nhận được cao hơn hai ứng viên vào nghị viện 98.678 phiếu. Điều này là bình thường. Thế nhưng, ông Trump lại thua Biden 10.196 phiếu trong khi ứng viên vào nghị viện Đảng Cộng Hòa lại dẫn ứng viên Dân chủ 90.265 phiếu. Vậy là trong gần 100.000 phiếu cách biệt kia, gần như tất cả đều bầu cho Biden và trong lá phiếu chỉ có mỗi tên Biden?

Dĩ nhiên, còn một trường hợp nữa là cử tri Cộng Hòa tại Georgia muốn có lãnh đạo Tiểu Bang phe Cộng Hòa nhưng vì lí do nào đó không thích Trump. Điều này rất khó lý giải cho việc Trump nhận được số phiếu bầu tương đương Perdue trong khi cách biệt giữa Biden và Ossoff lại khá lớn. Để giải thích cho sự dị thường này không thể không đặt vấn đề là: Trong trường hợp cần gấp rút tạo ra số lượng lớn phiếu bầu cho Biden để giúp ông này thắng cử tại Georgia, chẳng phải sẽ nhanh và hiệu quả hơn nếu các lá phiếu bầu chỉ có mỗi tên ông Joe Biden hay sao? Điều này không chỉ xảy ra tại Georgia khi Sidney Powell, luật sư phụ trách chiến dịch khởi kiện gian lận bầu cử cho ông Donald Trump tuyên bố đội ngũ của bà phát hiện 450.000 lá phiếu “kỳ diệu” chỉ có mỗi tên của Biden chứ không có bất kỳ ứng cử viên nào khác. Đáng chú ý hơn, theo logic những lá phiếu này chỉ xuất hiện tại những địa hạt thuộc bang chiến trường quan trọng chứ không phải là xu hướng chung trên toàn quốc, điều mà một làn sóng “bầu vì ghét ông Trump” sẽ giải thích được. Ngay cả tại New York, thành trì của Đảng Dân chủ, sự ủng hộ cho ông Trump cũng đã tăng đến 6% so với năm 2016.

Bất thường thứ ba: Người dân đồng loạt bầu cho ứng viên Cộng Hòa và những địa hạt được lấy làm thước đo cho toàn quốc bầu cho ôngTrump nhưng ông Biden lại thắng?

Bầu cử năm nay, Đảng Cộng Hòa thắng 28 trong tổng số 29 cuộc đua gay cấn nhất vào Hạ Viện tại những địa phương mà phân bổ cử tri Cộng Hòa – Dân Chủ khá ngang bằng. Đảng Cộng Hòa củng cố thế đa số tại các cơ quan lập pháp Tiểu bang, trong đó có New Hampshire và Montana. Đảng Cộng Hòa không thua ghế Hạ Viện nào mà thắng thêm 5 ghế. Đảng Cộng Hòa chỉ mất duy nhất 1 ghế tại Thượng Viện dù năm nay số ghế họ phải bảo vệ gấp đôi phe Dân Chủ. Không thể lý giải rằng việc bầu cho chính quyền địa phương phe Cộng Hòa nhưng lại bầu cho ông Biden là tâm lý “check and balance” bởi vì mỗi cử tri không thể dự đoán kết quả của toàn quốc. Cũng không có một phong trào nào kêu gọi bầu cho ông Biden nhưng lại bầu ứng viên Cộng Hòa tại Tiểu bang.

Bên cạnh đó, tại 2 Tiểu Bang dự đoán tốt nhất cho kết quả bầu cử Tổng Thống là Florida và Ohio, ông Trump đều thắng áp đảo với xấp xỉ 400.000 phiếu. Trên toàn nước Mỹ, có 17 địa hạt hễ ứng viên nào thắng là lên làm Tổng Thống, tiêu biểu như Ottawa (Ohio), Essex (Vermont), Kent (Delaware),…

Năm 2000, 17 hạt này đều bầu cho Cộng Hòa, Bush thắng Algore
Năm 2004, 16 trong 17 hạt bầu cho Cộng Hòa, Bush tái đắc cử.
Năm 2008, 16 trong 17 hạt bầu cho Dân Chủ, Obama thắng.
Năm 2012, cả 17 hạt bầu cho Dân Chủ, Obama tái đắc cử.
Năm 2016, tất cả 17 hạt bầu cho Trump.
Năm 2020, 14/17 hạt bầu cho Trump.

Nhưng bằng cách kì diệu nào đó ông Joe Biden đã “thắng” bằng vài chục ngàn phiếu ở những bang quyết định dù không có chiến dịch đánh tập trung tại các tiểu bang này bằng rally. Chiến dịch vận động bằng các quảng cáo của ông Biden cũng không hiệu quả, đơn cử như 200 triệu USD mà họ đổ vào Florida.

Quan sát viên Cộng Hòa bị cho ra khỏi điểm kiểm phiếu vào lúc 10.30 PM tại hạt Fulton.

Tổng kết lại, có 3 điểm bất thường rất lớn ở lần bầu cử này chỉ có thể được lí giải bằng giả thuyết là phe Dân Chủ đã gian lận hoặc thắng bằng cách “mua phiếu”. Họ có thể đã làm điều đó như thế nào? Vậy thì, cơ chế tam quyền phân lập và kiểm soát chồng chéo nhau đã đổ vỡ hay sao?

Lý do lớn nhất dẫn đến chuyện nền tam quyền phân lập của Hoa Kỳ thất bại trong kì bầu cử lần này không nằm ở vấn đề kỹ thuật. Những cử tri của vùng đất tự do đang đối mặt với vấn đề lớn hơn nhiều là sự trỗi dậy của quyền lực thứ tư mang tên truyền thông và mạng xã hội.

– Quyền lực thứ tư đang cố biến một chính trị gia già cỗi trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, gần 50 năm tham gia chính trường với rất ít thành tích mà Biden vẫn có thể ra tranh cử. Bên cạnh đó, họ hoàn toàn phớt lờ những bê bối gia đình có thể đánh bại bất cứ ứng viên nào.

– Quyền lực thứ tư đang cố chứng tỏ rằng bất kì ông Tổng Thống nào không thỏa hiệp với nó sẽ thất cử và tệ hơn là chịu sự ghét bỏ vô lý. Với hàng loạt thành công của Trump từ kinh tế đến chính sách công, có thể đoan chắc rằng nếu quyền lực thứ tư muốn Trump tái đắc cử thì họ chỉ cần một tháng vận động mà thôi.

– Quyền lực thứ tư đang đổi trắng thay đen, biến một chuyện rất bình thường là đòi hỏi minh bạch trở thành cuộc vẫy vùng ngoan cố của ông Tổng Thống. Họ ngang nhiên đồng loạt tuyên bố Biden đắc cử khi chưa có gì rõ ràng nhằm tạo áp lực “chuyện đã rồi” trên toàn nước Mỹ.

– Quyền lực thứ tư đang đánh vào chính cái gốc của nền dân chủ là lòng dân. Từ đó nó vượt qua tam quyền phân lập mà không chịu sự chế tài chồng chéo của tam quyền phân lập.

– Quyền lực thứ tư đang tạo ra một thứ thực tại song song chia rẽ nước Mỹ, đào rộng thêm hố sâu ngăn cách giữa Tả và Hữu. Những người đáng lẽ bổ trợ nhau dù có bất đồng đã quay sang thù ghét nhau.

– Quyền lực thứ tư đang đánh vào sự tự do thuần khiết nhất là tự do tư tưởng. Chính nó tạo ra văn hóa hủy diệt (cancel culture).

– Chính quyền lực thứ tư đã chi phối nhiều nhất đến cuộc bầu cử lần này. Thế cân bằng đã bị phá vỡ khi Đảng Dân Chủ tạm có sự ủng hộ của nó. Trong tương lai, nếu Đảng Cộng Hòa cũng thỏa hiệp có nghĩa là nền dân chủ Mỹ chỉ còn tồn tại trên giấy tờ cho đến khi người dân dùng Tu chính án thứ hai để giành lại tự do.

Thay cho lời kết, xin được trích lại bài phát biểu kinh điển của Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, ông Ronald Reagan: “Chúng ta đang chiến đấu với một trong những kẻ thù hùng mạnh nhất của loài người từ thuở sinh khai, và nếu chúng ta thua trận chiến này và đánh mất đi sự tự do của mình, thì lịch sử sẽ không khỏi ngạc nhiên khi những người có nhiều thứ để đánh mất nhất lại hành động ít nhất để ngăn cản điều đó xảy ra. Tôi nghĩ rằng đến lúc này chúng ta cần tự hỏi lại mình rằng liệu chúng ta có còn được tự do như ước nguyện của các Người Cha Lập Quốc”.

Anh Vũ

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều