+
Aa
-
like
comment

Quyền lực ngầm của TT Putin lớn đến đâu mà ép được Armenia phải “quy hàng” Azerbaijan?

14/11/2020 16:40

Một trong những ưu tiên hàng đầu của NATO là tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy các nỗ lực cải cách dân chủ, thể chế và quốc phòng ở Armenia nhưng điều này đã làm phật ý Nga.

Quyền lực ngầm của TT Putin lớn đến đâu mà ép được Armenia phải "quy hàng" Azerbaijan?
Một cuộc họp ba bên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Ảnh: Sputnik

Bị Azerbaijan “đánh rát”, Armenia phải cầu viện Nga

Ngày 10/11, khi tuyên bố về hiệp định hòa bình vừa ký kết với Azerbaijan dưới sự trung gian hòa giải của Nga, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã phải thốt lên rằng đây là một thỏa thuận “đau đớn” nhưng ông buộc phải ký vì không còn lựa chọn nào khác.

Sự đầu hàng trên thực tế của ông Pashinian trước Azerbaijan đã kéo theo các cuộc biểu tình bạo lực ở Armenia diễn ra hôm thứ Ba (11/11).

Cảnh tượng hỗn loạn nổ ra bên trong tòa nhà quốc hội Armenia khi những người biểu tình bày tỏ sự tức giận trước thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan về vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh. Họ đã chiếm quyền kiểm soát phòng họp và tố cáo lãnh đạo đất nước “hèn nhát”.

Thủ tướng Nikol Pashinian đã quyết định ký thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan nhưng theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, đó thực tế là một văn bản “quy hàng”, sau nhiều lần kêu gọi Nga giúp Armenia trong cuộc chiến với Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh.

Quyền lực ngầm của TT Putin lớn đến đâu mà ép được Armenia phải quy hàng Azerbaijan? - Ảnh 1.
Biểu tình bên trong tòa nhà Quốc hội Armenia. Ảnh: Sputnik

Ngày 31/10, ông Pashinyan chính thức đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin xúc tiến các cuộc tham vấn “khẩn cấp” về hỗ trợ an ninh khi các lực lượng quân đội Azerbaijan đã giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường.

Trong bức thư gửi Tổng thống Putin, ông Pashinyan nói rằng các hành động thù địch đang tiến gần đến biên giới của Armenia, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang hậu thuẫn cho Baku và viện dẫn một hiệp ước năm 1997 về tình hữu nghị, hợp tác và tương trợ lẫn nhau giữa Moscow và Yerevan.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Thủ tướng Armenia đã yêu cầu Tổng thống Nga bắt đầu các cuộc tham vấn khẩn cấp với mục đích xác định lại tính chất và mức độ viện trợ mà Liên bang Nga có thể giúp Armenia đảm bảo an ninh cho nước mình”.

Phản ứng của Nga là, họ sẽ cung cấp những “hỗ trợ cần thiết” cho Yerevan trong trường hợp giao tranh xảy ra trên lãnh thổ Armenia.

“Nga sẽ cung cấp cho Yerevan mọi hỗ trợ cần thiết nếu các cuộc đụng độ xảy ra trực tiếp trên lãnh thổ của Armenia”, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.

Ngày 7/10, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Russia 24, Tổng thống Putin đã tái khẳng định cam kết của Nga theo khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia khác, và mỗi nước có nghĩa vụ hỗ trợ các thành viên khác của họ.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin khi đó lại nói rằng cuộc xung đột quân sự không diễn ra trên lãnh thổ Armenia. “Cuộc giao tranh, mà chúng tôi rất lấy làm tiếc, vẫn tiếp tục diễn ra cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nó không diễn ra trên lãnh thổ của Armenia”.

Tại sao Nga “nhắm mắt làm ngơ”?

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao Tổng thống Nga lại cho phép giao tranh tiếp tục diễn ra trong khi Armenia bị tổn thất nặng nề? Tại sao ông Putin không kích hoạt CSTO để giúp đỡ Armenia?

Điều thú vị là, trong quá khứ Armenia đã nhiều lần tuyên bố họ mong muốn có được sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ CSTO trong trường hợp chiến tranh xảy ra với Azerbaijan.

Vào tháng 8/2009, Nikolay Bordyuzha, Tổng thư ký của CSTO, xác nhận Yeveran có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ đó.

Quyền lực ngầm của TT Putin lớn đến đâu mà ép được Armenia phải quy hàng Azerbaijan? - Ảnh 3.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga lên đường tới Nagorno-Karabakh. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, có lẽ ông Putin muốn trừng phạt Armenia vì các chính sách thân Mỹ và thân NATO của nước này.

Armenia đóng góp cho các hoạt động do NATO dẫn đầu và hợp tác với các thành viên của liên minh quân sự này cũng như nhiều nước đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của NATO là tăng cường đối thoại chính trị và thúc đẩy các nỗ lực cải cách dân chủ, thể chế và quốc phòng ở Armenia. Điều này đã làm phật ý Nga.

Lập luận như vậy có vẻ rất hợp lý khi Nga dường như đã cố ý cho phép chiến sự tiếp diễn cho đến khi Armenia không thể chịu đựng được nữa và chấp nhận các điều khoản ngừng bắn có lợi cho Azerbaijan.

Trên thực tế, thỏa thuận đã cho phép Azerbaijan giữ lại các khu vực ở Nagorno-Karabakh mà nước này chiếm giữ được trong thời gian chiến sự vừa qua và buộc Armenia phải rời khỏi một số khu vực khác trong vài tuần tới. Đó là một hiệp ước hòa bình mang tính sỉ nhục Armenia!

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến về Nagorno-Karabakh

Hoàng Đan/TTT

Bài mới
Đọc nhiều