+
Aa
-
like
comment

“Quyền lực môi trường” và đám người ích kỷ

17/07/2020 10:45

Vừa qua có thông tin, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã bị mất khoảng gần 8.900 héc ta đất và rừng phòng hộ, trong đó, khu vực bị thiệt hại nặng nhất là ở khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trước thực trạng đáng báo động như vậy, Cà Mau quyết định thực hiện các dự án kè sạt lở chống sóng biển và “bê tông hóa” các khu vực nhạy cảm nhằm giữ đất, giữ rừng, bảo vệ an toàn hệ sinh thái và khu du lịch Đất Mũi. Nhưng, một đám người tự dưng chẳng biết ở đâu đến, không hiểu những khó khăn mà người dân Cà Mau phải chịu đựng, họ hô hào phản đối dự án kè sạt lở khu vực Mũi Cà Mau. Luận điệu của họ đưa ra rằng, “Vườn quốc gia Mũi Cà Mau sẽ bị ảnh hưởng nếu bê tông hóa”, nhưng có một câu hỏi mà họ không giải thích hoặc cố tình lờ đi, vậy thì làm gì để giữ lại rừng và đất? Hay nhìn hàng ngàn héc ta đất bị chìm dưới lòng biển?

Giải pháp chống ngập mặn xấm lấn của Cà Mau hay Cần Giờ đang bị rất nhiều kẻ soi mói kiểu rởm đời.

Niềm vui của người này lại là nỗi khổ của kẻ khác. Những kẻ nhân danh “vì môi trường” thì làm sao biết rằng, hàng trăm ngôi nhà ở Cà Mau bị sóng biển đánh bay, hàng ngàn người phải di tản, mất kế sinh nhai đâu. Chẳng có người dân Cà Mau nào phản đối dự án cả, vì hàng ngày, họ phải chứng kiến thực trạng mất đất, mất rừng, nhà cửa chìm dần xuống biển. Nhiều người phản đối dự án còn chỉ trích “người dân Cà Mau vô tâm khi không nghĩ đến tương lai” nhưng tương lai, nếu chúng ta không làm gì, thì Đất Mũi Cà Mau sẽ hoàn toàn biến mất theo đúng nghĩa đen.

Từ năm 2014 đến nay, cứ vào mùa khô hạn, tại một số tỉnh ở khu vực Tây Nam Bộ diễn ra hạn mặn, nước biển xâm nhập sâu vào trong nội địa, gây ảnh hưởng rất lớn đến bà con. Chính quyền và nhân dân thực hiện rất nhiều biện pháp chống mặn, trong đó trước mắt và tìm kiếm nguồn nước bổ sung, hoàn thiện hệ thống vận chuyển nước đi khắp các khu dân cư, giải pháp dài hơi và quy mô hơn là xây các hồ đập, hồ chứa,… Nhưng cũng lại là những đám người đó, phản đối việc xây các hồ đập vì đó là “biện pháp không bền vững”, họ cho rằng việc xây dựng các công trình chứa nước lớn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Khi chính quyền và người dân thực hiện khoan giếng ở các khu vực an toàn nhằm đưa nước đi cứu những khu nguy cấp, họ tiếp tục kêu ca rằng tốn kém, lãng phí và mất an toàn địa chất. Và đi kèm với những lời phản đối, họ kêu gọi người dân tham gia vay vốn ưu đãi mua thiết bị lọc nước châu Âu với giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Với thu nhập trung bình của người dân Tây Nam Bộ, những thiết bị ấy vừa đắt đỏ, vừa thiếu hiệu quả khi chỉ phục vụ được ở quy mô hộ gia đình, trong khi vấn đề thủy lợi tưới tiêu không thể giải quyết triệt để.

Người nông dân Cà Mau khốn khổ vì hạn hán, ngập mặn xâm chiếm.

Họ luôn bảo rằng Việt Nam phải học Hà Lan cách giữ đất, vậy cách Hà Lan giữ đất là gì? Nói ngắn gọn là Hà Lan đã xây dựng những công trình nhân tạo, những con đập chắn sóng, chắn nước biển hùng vĩ, những bờ đê bao dọc ven biển, các cửa biển đều có các công trình chống xâm thực. Chẳng có quốc gia nào chống biển bằng cách mặc kệ và hô hào rỗng tuếch trên mạng cả. Hô hào thì lúc nào cũng dễ, bắt tay vào làm mới khó. Một số người, khi nhìn vào một khu nghỉ dưỡng 6 sao ở bán đảo Sơn Trà và nói rằng: “Đây là hành vi phá hoại môi trường”. Nhưng chính cái khu nghỉ dưỡng đó, lại được World Travel Awards (WTA) vinh danh là khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới trong 2 năm liên tục. Hay kiến thức và suy nghĩ của WTA không bằng được những đám người ném đá? Rồi khi nhìn về Cù Lao Chàm, ngay khi có những dự định du lịch về đảo, một số người bật chế độ ném đá vì cho rằng dự án sẽ khiến cho Cù Lao Chàm thành “bãi rác du lịch”. Nhưng bãi rác thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy một hòn đảo du lịch thân thiện, người dân tự quản lý và bảo vệ hòn đảo, bài toán kinh tế được kết hợp hài hòa cùng bài toán môi trường.

Cần Giờ có thể sẽ chìm xuống dưới biển. Đó là vấn đề mà rất nhiều người dân Cần Giờ lo lắng và tương lai của Cần Giờ, ở đây là người dân và khu dự trữ sinh quyển được đặt nhiều dấu hỏi to đùng. Những thông tin xấu nhất từ các báo cáo khoa học từ Đại học Utrecht, Tổ chức độc lập Climate Central hay Bộ Tài Nguyên và Môi trường đều có những căn cứ nói rằng: Cần Giờ sẽ bị chìm xuống dưới biển. Cùng với Cần Giờ, khu vực Tây Nam Bộ cũng có thể sẽ trở thành “vùng đất Atlantis” của Việt Nam, rồi tương lai, chúng ta sẽ phải đối diện thế nào khi những nơi này mất đi? Con cháu chúng ta sẽ hỏi rằng, làm sao mà thế hệ trước không “cứu” Cần Giờ hay Tây Nam Bộ? Chẳng lẽ lại trả lời đi cứu bằng cách kiến nghị và ký tên trên FB sao?

Giáo sư khoa học trái đất Cyril Marchand thuộc Đại học New Caledonia cho rằng: Nguyên nhân gây ra ô nhiễm lớn nhất ở Cần Giờ là các hoạt động nuôi thủy hải sản. Một số nguyên nhân khác bao gồm, mở rộng rừng lấy đất canh tác, hoạt động giao thông vận tải, chất thải sinh hoạt từ vùng phụ cận. Theo Thiên Nhiên, mặc dù các chương trình trồng rừng thành công nhưng vấn đề giải quyết nghèo đói của Cần Giờ lại chưa triệt để, các hộ dân ở Cần Giờ: “Có xu hướng tạo thu nhập bằng cách tận dụng các giá trị trực tiếp từ rừng ngập mặn (chủ yếu là chặt gỗ) thay vì thu nhập được tạo ra lâu dài thông qua bảo vệ rừng ngập mặn. Vì vậy, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương là điều kiện tiên quyết để giảm áp lực lên rừng ngập mặn”. Vậy làm thế nào thế nào để Cần Giờ vừa bảo vệ được môi trường, vừa phát triển được kinh tế? Làm thế nào để một huyện có thu nhập đầu người vào khoảng 2700 USD/1 năm có thể đuổi kịp các khu vực khác ở TP. HCM?

Rừng ngập mặn đang bị “xâm hại” của nước biển.

Trong bất cứ diễn biến nào, chúng ta đều phải tính toán đến vấn đề lợi ích, thiệt hại, tức là làm sao để lợi ích được tối đa và thiệt hại ở mức tối thiểu. Tại Cần Giờ, mục tiêu cấp bách nhất là bảo vệ rừng ngập mặn trước sự xâm hại của biển, bên cạnh đó, phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế của người dân Cần Giờ. Và nói thẳng, chẳng có bất cứ lợi ích nào đến nếu chúng ta không chấp nhận thiệt hại, quan trọng là thiệt hại đó ở mức nào. Chứ giương mắt ếch, bắt ép người dân Cần Giờ phải chịu khổ, rồi nhìn hàng ngàn héc ta rừng bị chìm dần, bị xâm thực, bị mất đi do nước biển dâng thì đó không phải là bảo vệ môi trường.

Một tài khoản mạng xã hội có tên “Son Dang” đăng những bức ảnh về Cần Giờ nhằm mục đích đấu tranh cho Cần Giờ, nhưng khi một người dân vào phản ánh rằng, có một vài bức không phải ở Cần Giờ và họ không cần những người ở tận bên đâu đó đấu tranh giùm thì bị xóa bình luận. Sau khi tra cứu thông tin, những bức ảnh đó được lấy từ trên Shutterstock, chụp tại địa danh Pak Nam Krabi, Krabi Town, Krabi, một số nguồn khác lại chỉ ra rằng ở Indonesia.

Cần Giờ không cần một đám người ở đâu nhảy vào dạy bảo người Cần Giờ phải làm thế này, thế kia. Người Cần Giờ cần phát triển kinh tế, thực tế chứng minh đã thấy, cách bảo vệ rừng tốt nhất là cho người dân thấy được lợi ích bảo vệ rừng cao hơn lợi ích của việc phá rừng. Đó là vì sao ở nhiều vùng núi, việc “khoán rừng” – tức là giao rừng cho người dân, người dân được tiền từ hoạt động bảo vệ, tuần tra rừng. Cần Giờ cần một điều gì đó, vừa bảo vệ được “trái tim Cần Giờ” là những thảm xanh rừng ngập mặt, phải lấn ra biển để khỏi ảnh hưởng đến khu vực “trái tim” nhạy cảm này. Vừa giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế để không có những hoạt động tác động xấu đến môi trường rừng, vừa phải duy trì lợi ích giữa con người và môi trường.

Nói thẳng ra, muốn bảo vệ môi trường, thì cũng cần phải có tiền đã, chứ chẳng thể bảo vệ dựa trên niềm tin được đâu. Người Cần Giờ có mong mỏi các dự án hay không? Câu hỏi này, thì hãy để người Cần Giờ trả lời. Nhưng nếu người Cần Giờ phản đối, thì chắc chắn dự án sẽ chẳng bao giờ được phê duyệt hay thực hiện. Người dân Cần Giờ thừa biết, lối thoát cho rừng Cần Giờ và cho chính họ nằm ở đâu. Chẳng cần phải lựa chọn giữa “cá” hay “thép”, chúng ta chọn cả hai.

Tifosi

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều