Quyền có gắn với “tiền” và “lợi”?
“Để vực dậy nền kinh tế, các Bộ, ngành phải xắn tay áo vào cuộc, phải đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Không phải quyền anh, quyền tôi mà phải vì đất nước, dân tộc và 100 triệu dân Việt Nam”.
Đây là yêu cầu, cũng là mệnh lệnh mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp diễn ra cuối tuần vừa rồi.
“Quyền anh, quyền tôi” – Thủ tướng tóm gọn lại rào cản tạo nên sự trì trệ trong chính sách, làm ách tắc các chủ trương đường lối của Nhà nước đến với doanh nghiệp chỉ bằng những từ ngữ ngắn gọn đó.
Tất nhiên, điều đáng mừng là vấn đề đó đã được Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ – gọi thẳng tên, nêu trúng vào bản chất. Từ đó, người dân hy vọng, sau hội nghị, tình trạng lạm quyền, dụng quyền gây trở ngại sẽ bớt đi không nhiều thì ít.
Mặt khác, từ chỉ đạo của Thủ tướng cũng thấy rằng, lực cản này đã tồn tại từ lâu, không dễ gì chấn chỉnh chỉ trong ngày một ngày hai.
“Quyền anh, quyền tôi” không chỉ là những vướng mắc khi các ngành, lĩnh vực “đụng chạm” lợi ích cục bộ của nhau, mà có khi còn là tình trạng cát cứ địa phương, “trên nóng dưới lạnh”.
Do đó, một chủ trương, chính sách tốt đẹp mà Chính phủ đưa ra chưa hẳn đã có thể đến được với doanh nghiệp, với người dân một cách nhanh chóng. Tính quyết định có khi lại nằm trong tay một ngành, một địa phương, thậm chí chỉ là những công chức thực thi cấp xã, cấp huyện.
Tại hội nghị vừa rồi, các bộ đồng loạt công bố nhiều gói chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nếu như Bộ trưởng Tài chính cam kết miễn giảm phí hàng loạt thuế phí doanh nghiệp còn Bộ trưởng Công Thương hứa sẽ rà soát hiệu quả chính sách Chính phủ thì tư lệnh ngành Ngân hàng còn nói sẽ lập đoàn thanh tra chống phiền hà doanh nghiệp.
Như vậy, điều quan trọng nhất vẫn là ở hiệu quả cuối cùng. Rằng, những gói hỗ trợ “khủng” tới hàng trăm nghìn tỷ đồng ấy có kịp đến lúc “doanh nghiệp vẫn còn sống” như cách nói của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam hay không. Để doanh nghiệp chờ quá lâu, đến mức giải thể rồi, thì có hỗ trợ cũng không còn ý nghĩa. Và rốt cuộc, lợi ích của những gói hỗ trợ đó sẽ về tay ai?
Nên nhớ “quyền” thường gắn liền với “lợi”. Nếu người nắm “quyền” trong tay biết bỏ đi cái lợi trước mắt, nghĩ cho lợi ích chung, công việc sẽ hanh thông, thuận lợi; còn nếu họ chỉ bo bo cho lợi ích của bản thân, của tổ chức mình thì dù “quyền có hạn”, họ cũng chẳng thiếu cách để tạo ra muôn vàn cái khó, cái trúc trắc, gập ghềnh.
Đơn giản như chuyện doanh nghiệp xuất khẩu, nếu chỉ cần giữa các bộ, ngành quản lý có khúc mắc, hàng bị ứ đọng tại cửa khẩu lâu ngày, thiệt hại có thể tính đến hàng tỷ đồng vì hư hỏng, vì lỡ mất thời cơ.
Chưa nói đến khát vọng “hóa rồng”, “hóa hổ”, mà để có thể phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng theo hình chữ V như lãnh đạo Chính phủ mong đợi, thiết nghĩ, yếu tố dẫn tới thành công chính là kiểm soát được quyền lực và lựa chọn đúng người nắm quyền.
Nếu có thể làm được như lời hiệu triệu của Thủ tướng, thì quả thực không còn lo bất cứ thử thách nào mà chúng ta không thể vượt qua.
Bích Diệp/DT