+
Aa
-
like
comment

ĐBQH Lê Thanh Vân: Quy tụ người tài cho lãnh đạo và quản trị quốc gia

05/11/2020 19:40

Thời nào cũng có nhân tài, ở đâu cũng cần nhân tài nhưng số lượng nhân tài thường có hạn. Bởi thế, phải biết tập trung nhân tài vào những lĩnh vực có vai trò mắt xích quan trọng nhất ĐBQH Lê Thanh Vân phân tích.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Trong tình hình đất nước hội nhập hiện nay, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng cần có 5 định hướng chiến lược căn bản thu hút nhân tài vào 5 lĩnh vực ưu tiên:

Thu hút nhân tài là các chính trị gia xuất chúng, nhà quản lý giỏi

Lịch sử hình thành nhà nước cho thấy, lãnh đạo và quản trị quốc gia luôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu về nhân tài và có trước tất cả mọi lĩnh vực khác.

Nếu những người đảm nhiệm chức năng lãnh đạo và quản lý đất nước ở các cấp, nhất là cấp cao nhất, mà không tài giỏi thì sẽ dẫn dắt đất nước đi nhầm đường, tạo ra cơ chế làm việc phi khoa học, không xây dựng được môi trường làm việc phù hợp, không thể nhận biết được nhân tài, không biết đãi ngộ nhân tài đúng mức… Hậu quả là đất nước bị chậm phát triển so với các quốc gia khác, thu nhập của người dân thấp, đất nước không phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Quy tụ người tài cho lãnh đạo và quản trị quốc gia
Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thi tuyển chức danh vụ trưởng

Bởi vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” là phải xây dựng cho được cơ chế, chính sách thu hút được nhân tài là các chính trị gia xuất chúng, nhà quản lý giỏi làm lực lượng nòng cốt để lãnh đạo và quản trị quốc gia.

Tập trung nhân tài cho khoa học và công nghệ

Hướng chiến lược thứ hai là tập trung nhân tài cho khoa học và công nghệ. Phải hiểu là tập trung những người tài giỏi nhất cho những dự án, mục tiêu tối quan trọng được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, có lựa chọn của quốc gia. Từ thực hiện những dự án tối quan trọng này mà đi đến những phát minh sáng chế vượt trội, xứng tầm nhân loại. Những phát minh sáng chế mở đường này tự nó sẽ đưa quốc gia vào lớp các cường quốc và tự nó sẽ xứng đáng với những giải thưởng khoa học cao nhất của nhân loại, trong đó có giải Nobel.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tiềm lực công nghệ là thế mạnh của mỗi quốc gia, thì định hướng chiến lược ưu tiên số hai là xây dựng cho được cơ chế, chính sách mở đường cho thu hút và trọng dụng nhân tài về khoa học công nghệ đang là yêu cầu cấp bách.

Thu hút và trọng dụng nhân tài cho việc làm giàu  

Có một thực tế ở nước ta, do chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, “coi thường tiền bạc”, nên còn nhiều người không chú trọng vào việc làm giàu, mà chỉ chú trọng học hành, mong thăng quan tiến chức. Vì thế cần phải thay đổi nhận thức về làm giàu, ngay từ môi trường giáo dục phổ thông.

Điều quan trọng, phải trang bị nhận thức cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước. Chỉ khi nào thực sự giàu có, thì đất nước mới thực sự hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong mỏi.

Cho nên, trong Chiến lược này, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài cho việc làm giàu.

Nhân tài cho xây dựng, vận hành một nền giáo dục đẳng cấp

Quốc gia hùng mạnh là quốc gia có nền giáo dục đẳng cấp, ở đó tạo ra một lực lượng nhân tài toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Do vậy, trong Chiến lược này, việc xác lập định hướng cho việc ban hành cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài cho giáo dục là một hướng ưu tiên chiến lược cấp bách cần triển khai.

Nhân tài dành cho văn hoá nghệ thuật

Nhân tài cần có trong các lĩnh vực này bao gồm những người có tài năng trong quản lý và những cá nhân có khả năng truyền bá văn hoá, sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật.

Сó nhân tài làm trụ cột cho việc xây dựng, củng cố các thiết chế văn hoá, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sẽ là nòng cốt cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, đạo đức xã hội và sắc thái nghệ thuật quốc gia. Bởi vậy, đây là định hướng quan trọng, cần thiết phải có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài dành cho lĩnh vực này.

Làm sao để lựa chọn nhân tài ở 5 lĩnh vực ưu tiên như trên?

Các lĩnh vực khác nhau sẽ có các cách thức lựa chọn nhân tài khác nhau.

Lĩnh vực lãnh đạo và quản trị quốc gia

Ở bình diện toàn quốc, thì lãnh đạo và quản trị quốc gia bao gồm nhiều ngành nghề, trải rộng trên toàn quốc, quản lý toàn bộ nhiều triệu dân, nhiều tôn giáo, nhiều sắc tộc, lại phải bang giao với nhiều nước… nên cần những nhân tài xuất chúng về chính trị. Không cá nhân nào và tập thể nào có thể đánh giá đúng người tài lãnh đạo quốc gia, ngoại trừ toàn dân trên toàn quốc.

Bởi thế, việc phát hiện ra nhân tài để gánh vác công việc lãnh đạo và quản trị quốc gia đòi hỏi phải được tiến hành ở quy mô rộng rãi nhất, với nguồn nhân sự có tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi cả nước.

Nhân tài trong lãnh đạo quốc gia là những người xuất chúng, có tầm nhìn chiến lược, khả năng hoạch định và khởi xướng, thuyết phục ban hành và thực thi chính sách trên phạm vi cả nước.

Nhân tài trong quản trị quốc gia là những người có khả năng biến các ý tưởng chính trị thành khung khổ pháp lý, quy tắc xử sự chung cho mọi người, có năng lực đề ra các giải pháp thực hiện được mục tiêu quản lý đã đề ra.

Thực tiễn của các nền chính trị phát triển cho thấy rằng, nghị trường (diễn đàn Quốc hội) chính là nơi xuất hiện nhân tài xuất chúng về chính trị bởi hai lý do: Họ được sàng lọc từ các vòng bầu cử trước khi thành ĐBQH và các đề xuất, khởi xướng chính sách của họ thuyết phục được số đông đồng thuận. Mặt khác, hoạt động của người đứng đầu của các cơ quan Chính phủ cũng là một kênh xuất hiện chính trị gia, nhà quản lý xuất chúng.

Tất nhiên, việc lựa chọn các chính khách đều phải tuân thủ qua nhiều bước, trong đó có tiến cử, đề cử, lựa chọn và các cuộc thi tài cạnh tranh công khai, minh bạch.

Quy tụ người tài cho lãnh đạo và quản trị quốc gia
Quốc gia hùng mạnh là quốc gia có nền giáo dục đẳng cấp, ở đó tạo ra một lực lượng nhân tài toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Lĩnh vực khoa học và công nghệ

Tiêu chí ưu tiên số một là tài năng chuyên môn, được đo đếm qua các phát minh, sáng chế, giải pháp khoa học công nghệ làm thay đổi cục diện. Theo đó, việc phát hiện ra nhân tài căn cứ vào sản phẩm khoa học công nghệ của họ, được kiểm chứng bằng logic khoa học và triển vọng ứng dụng các phát minh, sáng chế, giải pháp khoa học, hoặc thực chứng ứng dụng làm thay đổi một mặt hay nhiều mặt của đời sống xã hội, tiết giảm quy trình quản lý, quy trình sản xuất hay các quy trình khác.

Lĩnh vực phát triển kinh tế

Việc lựa chọn nhân tài phải dựa vào sự tổng hợp của nhiều cách thức. Trước hết là sự sống sót qua quá trình cạnh tranh khốc liệt từ thực tiễn vận hành bằng pháp luật đối với các quan hệ kinh tế mà họ tham gia. Cho nên, nhân tài trong phát triển kinh tế sẽ tự quyết định chọn ra “minh chủ” theo quy luật kinh tế. Đó là dựa trên sở hữu cổ phần và quyết định của cổ đông.

Đối với doanh nghiệp của nhà nước, quyết định lựa chọn nhân tài phải dựa trên 2 nhân tố quyết định:

Tự do ứng cử qua nhiều vòng vấn đáp của các chuyên gia cấp cao về lựa chọn nhân sự. Các chuyên gia lựa chọn nhân sự phải là những người không chỉ giỏi, mà hoàn toàn độc lập và khách quan, không chịu sức ép và không bị tác động bởi bất cứ nhân tố nào. Đây là điều kiện bắt buộc.

Nhận quyết định bởi người lãnh đạo tài giỏi. Chỉ có người lãnh đạo tài giỏi mới có quyết định sáng suốt trong lựa chọn cuối cùng giữa những ứng viên tài giỏi đã vượt qua nhiều vòng thi tuyển. Đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thì nhận diện nhân tài phải căn cứ vào hiệu quả thực sự trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các thương nhân, dựa vào sự đóng góp của doanh nghiệp cho quốc gia, tạo công ăn việc làm và tác động của lĩnh vực hoạt động trong cơ cấu kinh tế đất nước.

Lĩnh vực giáo dục

Ở lĩnh vực này, có hai nhóm nhân tài là quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên. Nhân tài trong quản lý giáo dục là những người có năng lực vượt trội trong khởi xướng, đề xuất chính sách quản lý giáo dục quốc dân thông qua thực tiễn hoạt động được kiểm chứng. Nhân tài là giáo viên là những người có khả năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, đào tạo được những thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh chất lượng cao, có nhiều người thành đạt, trở thành nhân tài ở các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc phát hiện ra nhân tài ở lĩnh vực này dựa trên cơ sở thực chứng về thành tích cá nhân không thể chối cãi.

Lĩnh vực văn hoá nghệ thuật

Có 4 nhóm: quản lý, sáng tạo, tay nghề cao và khả năng trình diễn. Nhân tài trong quản lý văn hoá nghệ thuật là những người có khả năng khởi xướng chính sách, năng lực quản lý và được kiểm nghiệm trong thực tiễn bằng những kết quả cụ thể.

Nhân tài trong sáng tạo các tác phẩm văn hoá nghệ thuật là những người tự mình tạo ra các giá trị riêng, được phản ánh trong các tác phẩm mà mình sáng tạo ra, được đông đảo công chúng thừa nhận. Nhân tài có tay nghề cao trong việc tạo ra các sản phẩm văn hoá nghệ thuật là những người có khả năng xử lý những tình tiết, yếu tố đặc biệt, mà người bình thường không thể làm được. Nhân tài trong biểu diễn các tác phẩm văn hoá nghệ thuật là những người có khả năng riêng, tạo được giá trị riêng, lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng và được cộng đồng tưởng thưởng.

Chính sách thu hút nhân tài 

Chính sách thu hút nhân tài bao gồm 3 yếu tố cấu thành:

Một là, khung khổ pháp lý tạo lập cơ hội phù hợp với năng lực của nhân tài ở từng lĩnh vực cụ thể, để họ nhìn thấy giữa khả năng và hiện thực không quá xa với tư chất của họ.

Hai là, các yếu tố hiện có về môi trường làm việc đủ sức hấp dẫn họ (ví dụ như: môi trường sáng tạo chính sách thuộc về các cơ quan hoạch định đường lối, chủ trương; môi trường phát minh, sáng chế là nơi có đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu, khảo nghiệm…).

Ba là, “Minh chủ” – nhân tố tiên quyết, bởi chỉ có nhân tài mới nhận diện được nhân tài và nhân tài chỉ đi theo những người tài hơn họ. Chỉ có nhân tài mới biết tôn trọng và trọng dụng được nhân tài. Cho nên, tổ chức nào cũng cần có “minh chủ”, quốc gia nào cũng cần có “minh quân” dẫn đường. “Minh chủ” là yêu cầu trên hết, quyết định nhất để nhận biết khả năng của nhân tài để sử dụng họ vào việc gì.

Về thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài

Không phải nhân tài nào cũng nhất thiết cần thu hút để làm việc trong nước. Điều quan trọng đầu tiên là phải xác lập môi trường chính trị pháp lý cần thiết, sau đó là môi trường làm việc tương thích với khả năng của nhân tài.  Nếu không có môi trường phù hợp thì nhân tài không những không thể phát huy được khả năng, mà còn dần bị thui chột.

Có những lĩnh vực cần khuyến khích người tiềm ẩn tài năng đi ra nước ngoài để có cơ hội toả sáng. Đến thời điểm phù hợp họ biết cách phụng sự Tổ quốc. Vấn đề quan trọng ở đây, chính là “cơ chế thu phục” cái tâm của họ hướng về Tổ quốc, để khi có bất kỳ điều kiện nào, thì họ phát huy hết tài năng cống hiến cho đất nước.

Độ tuổi và phạm vi trọng dụng nhân tài là cán bộ lãnh đạo, quản lý

Từ cổ chí kim, chưa có một định chế nào xác lập độ tuổi của nhân tài cũng như giới hạn phạm vi lựa chọn nhân tài trong một khuôn khổ nhất định. Bởi vậy, cần gỡ bỏ quy định máy móc về độ tuổi lãnh đạo, quản lý đối với nhân tài và càng không nên chỉ lựa chọn nhân sự trong giới hạn phạm vi nguồn cán bộ quy hoạch. Chính những quy định ràng buộc về nguồn quy hoạch và độ tuổi cán bộ đã và đang ngáng trở việc thu hút và trọng dụng nhân tài một nguồn lực đặc biệt phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Bài mới
Đọc nhiều