Quy trình dừng xe sai phạm của cảnh sát giao thông
Không ít người thắc mắc quy trình dừng xe của CSGT khi xử lý vi phạm được quy định như thế nào? Dưới đây là quy trình dừng xe sai phạm của cảnh sát giao thông mọi người nên biết.
Các trường hợp cảnh sát giao thông được yêu cầu dừng xe
Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong 05 trường hợp:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
– Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
– Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Việc dừng xe phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người dân, người có hành vi vi phạm, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải thực hiện đúng điều lệnh, có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp.
Quy trình dừng xe sai phạm của cảnh sát giao thông
1- Hiệu lệnh dừng phương tiện
Theo Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA, CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện trong 5 trường hợp và thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện gồm:
– Bằng tay, gậy chỉ huy giao thông;
– Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra;
– Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn.
Trong đó, khi dừng xe tại một điểm trên đường CSGT thực hiện như sau:
Ngoài khu vực nội thành, nội thị
Bước 1: Đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, thổi 01 hồi còi dài, mạnh, dứt khoát. Đồng thời, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên theo phương thẳng đứng.
Bước 2: Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp.
Trong khu vực nội thành, nội thị
Bước 1: Đứng nghiêm hướng về phía phương tiện cần kiểm soát, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, thổi 01 hồi còi dài, dứt khoát.
Bước 2: Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông kết hợp âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí thích hợp.
2- Chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời nói
CSGT khi mặc trang phục phải chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời khi gặp để giải quyết công việc với nhân dân, với người nước ngoài (điểm b khoản 2 Thông tư 17/2012/TT-BCA).
Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân, tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi” hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô cho phù hợp với phong tục.
Lưu ý, khi tiếp xúc với người vi phạm CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
3- Kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi
Khi đã dừng phương tiện thì CSGT phải thực hiện kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy phạm pháp luật. Do đó, CSGT phát hiện hành vi vi phạm giao thông thì được dừng xe và thực hiện việc kiểm soát giấy tờ.
Theo điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA, kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện bao gồm:
+ Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải;
+ Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.
Anh Vũ/DV