Quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội đã quá lỗi thời!
Hiện nay với quá trình triển khai các dự án nhà ở thương mại thì quy định phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội (NOXH) đã trở nên lỗi thời.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, khi cơ quan chức năng vào làm việc thì phát hiện nhiều chủ đầu tư không dành quỹ đất 20% để làm NOXH. Như tại tỉnh Khánh Hòa, trong số 41 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh mà Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát mới đây, chỉ có 39 chủ đầu tư đã cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về việc bố trí quỹ đất để xây dựng NOXH. Tại Hà Nội, khi kiểm toán giai đoạn 2015 – 2018 cũng đã phát hiện nhiều dự án “bỏ quên” quỹ đất 20% dành để xây NOXH. Tại TP.HCM thì đa số DN hoán đổi quỹ đất bằng việc đóng tiền thay thế nhưng nguồn tiền này “hòa chung” vào ngân sách và đã không được dành riêng để dùng xây NOXH.
Đây là một trong số các nguyên nhân khiến chương trình phát triển NOXH, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra, chỉ 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc phát triển NOXH là hướng đến sản phẩm bình dân để người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân có thể mua được. Nhưng đất ở nội đô hoặc vùng gần trung tâm TP thường là đất vàng, đất kim cương, rất khan hiếm, giá cao, nên không dễ làm NOXH. Với giá đất đỏ như vậy, thì người có thu nhập thấp nào có thể sờ đến nó?
Bên cạnh đó, sự tồn tại 2 loại hình là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại trong cùng một dự án nhà ở đang gây khó khăn cho chủ đầu tư trong công tác kinh doanh, vận hành và khai thác. Ngoài ra, việc phục vụ 2 đối tượng có trình độ văn hóa, thu nhập kinh tế, sinh hoạt, nhu cầu, tiện ích… khác nhau dẫn tới những mâu thuẫn trong việc phục vụ, sinh hoạt.
Lại nói, khi đầu tư dự án, doanh nghiệp thường chủ động tự đi mua đất và lẽ ra được quyền tự do kinh doanh phù hợp theo quy định, không làm những điều pháp luật cấm, nên việc buộc doanh nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội nói thẳng ra là đối phó. Mà nếu vậy thì họ sẽ làm mọi cách để lách luật, thành ra người dân chưa chắc có nhà nhưng sự tồn tại của mối quan hệ đuổi bắt nhà nước và doanh nghiệp lại hình thành.
Chính vì thế, cần có một nghiên cứu sâu hơn về việc sửa đổi quy định này. Như cách mà các đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đề xuất cũng là một hướng đáng tham khảo. Đó là diện tích quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thì giao UBND tỉnh bố trí, vì địa phương bố trí sẽ tập trung về một đầu mối hơn, giúp tránh được tình trạng manh mún và dàn trải.
Công Luân