Quy định 22 của Trung ương sẽ khích lệ lãnh đạo dám đột phá
Ở mỗi bước ngoặt lịch sử cần có những quyết định táo bạo, cũng như trong công tác chống dịch lần này, Quy định 22 sẽ đứng sau hỗ trợ người đứng đầu, khích lệ họ dám đột phá.
Điểm mới trong Quy định 22 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa ký ban hành là công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
“Bảo bối giúp cán bộ tự tin đột phá”
Đảng ta đã nhìn thấy và trong nhiệm kỳ khóa XII đã đặt ra vấn đề khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đến Đại hội XIII đã đưa vào dự thảo Báo cáo Chính trị để đại hội thảo luận, quyết nghị. Khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí nhiều lãnh đạo địa phương đều đánh giá cao chủ trương này, cho rằng, với cơ chế này, họ tự tin hơn, vững tâm hơn khi mạnh dạn đổi mới, đột phá vì mục tiêu phát triển của địa phương mình.
Trong bối cảnh, đất nước đang căng mình chống dịch, đặc biệt ở những địa phương dịch diễn biến phức tạp, đòi hỏi người đứng đầu phải có những quyết sách nhanh và trúng, không để bị cản trở, bó buộc bởi tâm lý sợ sai không dám làm.
Và việc Quy định 22 được ban hành vào thời điểm cả nước đang “chống dịch như chống giặc”, theo PGS.TS Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nó như là một điểm tựa, là cơ sở khuyến khích cán bộ dám mạnh dạn vượt qua khó khăn thử thách trong một thời điểm mang tính quyết định tới sự tồn tại và phát triển.
Ở mỗi bước ngoặt lịch sử như vậy cần có những quyết định táo bạo thì Quy định đó sẽ đứng sau hỗ trợ người đứng đầu, khích lệ họ dám mạnh dạn hơn.
Theo vị PGS.TS của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tới đây sẽ xây dựng cơ chế để bảo vệ cán bộ 6 dám giúp người đứng đầu tự tin khi đối diện với những vấn đề còn mới, còn đang thử nghiệm. Quy định đã “bật đèn xanh” để cán bộ có thể xin phép thí điểm, nhằm mục tiêu phát huy tính năng động, sáng tạo và phản ứng kịp thời trước lối rẽ của lịch sử, trước mỗi vấn đề phức tạp đặt ra trong cuộc sống mà chưa có cơ chế chỉ đạo. Quy định đó là xương sống, là sự gợi mở, là điểm tựa để người ta có thể vượt lên kịp thời giải quyết.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong tỉnh Kiên Giang được tạo điều kiện thuận lợiTrong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” vừa qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã có những phản ứng khá tốt bằng những quyết sách rất kịp thời trong công tác chống dịch ở địa phương mình. Đó là những chỉ đạo khá linh hoạt, quyết đoán của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trong giải quyết bài toán lưu thông hàng hóa thiết yếu; hay đề xuất hỗ trợ tiền điện, nước cho người dân khi thu nhập bị sút giảm trong mùa dịch của lãnh đạo tỉnh Cà Mau… Qua cách giải quyết của lãnh đạo các địa phương trên, ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng đã nhìn thấy bóng dáng của những mẫu lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng cũng không ít nơi sợ chưa có cơ chế, lãnh đạo có tâm lý e ngại, sợ sai không dám làm.
Khi xác định được mục tiêu tối thượng, cán bộ cứ mạnh dạn làm
Dẫn lại câu chuyện Bác Hồ trao toàn quyền quyết định cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy ngoài chiến trường với lời dặn dò khi đối mặt với hiện thực khách quan nhưng chưa có cơ chế thì xác định mục tiêu chiến lược là quan trọng, phải lấy cái bất biến là mục tiêu tối thượng, cái bất biến ở đây chính là việc cứu dân kịp thời, PGS.TS Đoàn Thế Hanh cho rằng, tương tự công tác phòng chống dịch hiện nay cũng vậy, phải xác định được cái bất biến, cái mục tiêu là cắt dịch, dập dịch, bảo đảm an toàn cho người dân. Xác định được mục tiêu đó, cán bộ cứ mạnh dạn, những quyết sách nào đảm bảo cho mục tiêu đó thì làm.
Qua theo dõi công tác chỉ đạo chống dịch của các địa phương thời gian qua, PGS.TS Đoàn Thế Hanh nhận thấy điều nổi lên rõ nhất là ý thức kỷ luật tổ chức của cấp ủy chính quyền các địa phương, việc tuân thủ nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, nhưng nhiều lãnh đạo địa phương thiếu mất sự linh hoạt để phù hợp với diễn biến dịch bệnh thực tế ở địa phương mình.
Tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết mang tính lịch sử, lần đầu tiên, giao cho Chính phủ, Thủ tướng có thể quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.
Việc trao quyền của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước thể hiện sự trao gửi niềm tin vào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hơn lúc nào hết, đây là lúc Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ban ngành Trung ương tới địa phương thể hiện vai trò, bản lĩnh và khả năng để người dân được nhờ. Đây cũng là điều mà người dân đang trông chờ.
Thanh Hà