+
Aa
-
like
comment

Đi ngược chiều gió, Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới

Tuệ Ngô - 01/06/2022 08:00

Với nền tảng vững chắc và sự điều hành hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam được nhận định là một trong số ít các quốc gia trên thế giới hiên ngang đi ngược chiều gió, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn thế giới, theo Financial Express.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản

“Đi ngược chiều gió”

Mặc dù gặp phải những lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát, sự giảm giá đồng tiền và những thách thức khác, Việt Nam vẫn đứng vững và có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở châu Á.

Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6,9% năm sau, trong nhóm dẫn đầu châu Á. Như vậy, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn các dự báo của các tổ chức quốc tế khác. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng nước ta năm nay 6,3%; Ngân hàng UOB của Singapore dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng 6,6%. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 là 6,5% và năm 2024 là 6,8%, cũng là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Ngày 31/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và ở mức tương tự trong năm 2024, nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép, đồng thời được hưởng lợi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, các chuyên gia từ AMRO đã dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6% trong năm 2023 và tăng lên 7,1% trong năm 2024.

Mặc dù trong quý I/2023, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một mức tăng trưởng yếu và vẫn đối mặt với nhiều yếu tố cản trở tăng trưởng, nhưng vẫn có những lý do để lạc quan. Sự ổn định trong tiêu dùng nội địa, sự mạnh mẽ của các ngành dịch vụ và sự gia tăng trong chi tiêu-đầu tư công sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Tiến sĩ Hoe Ee Khor, Nhà kinh tế trưởng của AMRO

Tiến sĩ Hoe Ee Khor, Nhà kinh tế trưởng của AMRO, cho biết ông vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã có những thành tích xuất sắc trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng rất cao và khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Đồng quan điểm, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế toàn cầu và tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với tăng trưởng toàn cầu.

Là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với những chính sách phù hợp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, kiểm soát lạm phát, linh hoạt trong chính sách tỉ giá…

“Phép màu của sự đổi mới”

Trước đó, tại một cuộc hội thảo trực tuyến tổ chức ở Bangladesh với chủ đề “Thành tích xuất khẩu tuyệt vời của Việt Nam: Bài học cho Bangladesh”, các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia đã thảo luận rất chi tiết về cách Việt Nam đạt được kỳ tích kinh tế.

Nhìn chung, theo họ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc bằng cách tăng cường tự do hóa thương mại, tiến hành các cải cách trong nước, tăng cường đầu tư vào nhân lực, cơ sở vật chất và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

“Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn luôn cầu thị lắng nghe, tập trung xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trong đó có việc tập trung xây dựng, tiến tới ban hành chính sách thuế tiêu thụ toàn cầu, quy định thông thoáng hơn về visa, cấp phép lao động, các vấn đề liên quan đến đất đai, nhà ở, các vấn đề liên quan đầu tư, đấu thầu…”, Thủ tướng cho biết.

Theo trang Financial Express, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, thành công trong đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Cũng nhờ thế, Việt Nam đang ngày càng tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu bất chấp cả thế giới đang chìm vào khủng hoảng.

Theo Financial Express, có ít nhất bốn lý do giải thích cho thành công này: Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Việt Nam có bản lĩnh chính trị, tập trung cao độ và quyết tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra.Thứ hai, các lãnh đạo Việt Nam có những phẩm chất “rất hiếm gặp”. Thứ ba, sau chiến tranh, xã hội Việt Nam đã phát triển thành một xã hội có tính kỷ luật cao. Lực lượng lao động của Việt Nam cũng rất năng động và tuân thủ kỷ luật chặt chẽ. Cuối cùng là từ đầu, chính phủ Việt Nam đã luôn kiên định và nhất quán trong chính sách của mình.

“Tất cả những yếu tố này đã đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đó là bí mật thực sự đã tạo nên thành công của Việt Nam” – Financial Express kết luận.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều