Quốc lộ như bị cả bầy voi ra ‘lót ổ’, Thanh tra Chính phủ không ‘nhịn’ nổi
Mặt đường quốc lộ 1 qua Phú Yên từng bị hư hỏng tan hoang như bị oanh tạc. Thanh tra Chính phủ không “nhịn” nổi và đã ra tay.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền đối với các đơn vị, cá nhân đã có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Bình Định và Phú Yên.
Nội dung đó được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ km 1.125 – km 1.265 qua tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án trên có chiều dài khoảng 118km, từ khi được thông xe kỹ thuật và nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần tăng cường năng lực giao thông từ Bắc vào Nam và phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào khai thác, sử dụng, trong điều kiện mưa lũ lớn bất thường và kéo dài, đặc biệt vào các năm 2016 và 2017, xe tải trọng lớn vẫn lưu thông khi ngập lụt, vật liệu đá tại khu vực có độ dính bám kém; các cơ quan liên quan chưa xem xét đầy đủ, toàn diện các yếu tố kỹ thuật, đặc thù khí hậu tại khu vực… nên dự án đã xuất hiện nhiều vấn đề về chất lượng công trình.
Nguyên nhân chính là do trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế cơ sở của dự án BOT Nam Bình Định sử dụng lại cống cũ ngang đường, thiết kế mặt đường bêtông nhựa tại một số vị trí thường xuyên ngập là chưa phù hợp với thực tế, thiếu đồng bộ, dẫn đến mặt đường tại khu vực đó luôn bị ngập khi mưa, có nơi ngập sâu từ 30-60 cm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình…
Một số thiếu sót, khuyết điểm trong thiết kế, thi công làm công trình gặp yếu tố bất lợi về thời tiết như ngập lụt, mưa nhiều ngày liên tục, bất thường khiến nước tích tụ vào kết cấu bêtông nhựa, kết hợp mật độ giao thông lớn, xe quá tải đã phá vỡ khả năng dính bám của đá với nhựa và sức chịu đựng của bêtông nhựa, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng, ảnh hưởng đến nền đường, từ đó suy giảm chất lượng và tuổi thọ công trình.
Những thiếu sót, khuyết điểm trên nên sau gần 2 năm đưa công trình vào khai thác, sử dụng mặt đường đã hư hỏng cục bộ, nhà thầu tự bỏ kinh phí để sửa chữa hư hỏng này…
Thanh tra Chính phủ kiến nghị đối với số tiền khoảng 1,56 tỉ đồng phát sinh do phải tháo, phá dỡ rãnh thoát nước dọc theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các bên liên quan thực hiện dứt điểm, tránh khiếu kiện sau này.
Đối với UBND tỉnh Bình Định, Thanh tra Chính phủ đề nghị theo thẩm quyền, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra.
TUẤN PHÙNG/TTO