‘Quốc hội xi nhan phải thì ông mang về ông rẽ trái’
Các chuyên gia vẫn chưa có sự đồng thuận trong việc để các cơ quan Chính phủ hay các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
“Ai cũng làm bộ trưởng được. Kỳ lạ!”
Sáng 19.2, nêu ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, nội dung chủ yếu của lần sửa đổi này là đề xuất giao Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sau khi đưa ra Quốc hội thảo luận thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội như hiện nay.
Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, trước năm 2003, quy trình này đã được áp dụng, sau khi đại biểu Quốc hội có ý kiến thì cơ quan Chính phủ về chỉnh lý. Thế nhưng, thời điểm đó đã xảy ra tình trạng “Quốc hội xi nhan phải thì ông mang về ông rẽ trái”.
“Tức là Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này thì về sửa một kiểu, Quốc hội cho ý kiến một đằng thì ông sửa một nẻo”, ông Quyền nói.
Ông Quyền nêu quan điểm, đây là vấn đề liên quan tới lý luận lập pháp chứ không thể nói ai làm tốt hơn thì giao cho người đó được. “Quốc hội phải nắm trọn quyền lập pháp của mình”, ông Quyền nói và nêu rõ, quyền này bao gồm: quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phân công soạn thảo, phân công thẩm tra cho ý kiến dự án luật, tiếp thu chỉnh lý dự án luật…
“Ông là người quản lý nhà nước thì ông biết chỗ nào ngứa thì ông trình (chính sách). Còn ông trình xong rồi giải quyết chỗ ngứa đó như thế nào thì phải là Quốc hội”, ông Quyền phân tích.
Theo ông Quyền, các dự luật trình ra Quốc hội một là làm chưa tốt, hai là có lợi ích nhóm nên Quốc hội cần phải sửa còn nếu các cơ quan của Quốc hội làm chưa tốt thì phải làm cho tốt hơn.
“Lợi ích nhóm người ta cài, chuyên gia pháp luật mới phát hiện được. Cài kín lắm, cài đủ các loại, không có sự phát hiện, bóc tách thì chết dân thôi”, ông Quyền nói và cho rằng khi sửa thì có sự tham gia của nhiều cơ quan của Quốc hội và cả cơ quan soạn thảo chứ không phải một mình cơ quan thẩm tra làm được.
Không đồng tình với quan điểm của ông Quyền, giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Hội đồng tư vấn dân chủ – pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng nói Quốc hội nắm quyền lập pháp không có nghĩa là Quốc hội làm tất cả mọi thứ.
“Quan điểm của tôi không phải là Quốc hội làm luật. Quốc hội chỉ làm một số căn bản thôi chứ không phải cái gì cũng làm luật. Làm luật thế thì chỉ xài với nhau”, ông Dung nêu.
Theo ông Dung, Quốc hội cần phải chỉ ra được người nào làm luật tốt nhất. Quốc hội bầu và phê chuẩn Chính phủ và các thành viên Chính phủ, các cơ quan Chính phủ là người phải chịu trách nhiệm đề xuất chính sách và theo đuổi đến cùng.
“Tôi thấy, Chính phủ cho tới nay không thấy tầm quan trọng về phân tích chính sách. Không thấy! Ông lên bộ trưởng ông cần phải làm cái gì? Không thấy những đề xuất chủ trương chính sách của người đó. Ai cũng làm bộ trưởng được. Kỳ lạ!”, ông Dung nêu.
Phải tự tạo cơ chế cọ xát mới có thể có chính sách tốt
Trong khi đó, ông Thái Vĩnh Thắng, Hội đồng tư vấn Dân chủ – pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan chủ trì thẩm tra phải chịu trách nhiệm chỉnh sửa. “Lập pháp phải giao cho Quốc hội, tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó. Thì tốt nhất sau khi dự thảo trình cho Quốc hội thì cơ quan chủ trì thẩm tra chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý”, ông Thắng nêu.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, có những vấn đề Quốc hội không thể lập pháp vì là chuyên môn, cần phải giao cho cơ quan chuyên môn. Việt Nam nên có chính sách thế nào đó quy định những lĩnh vực nhất thiết phải lập pháp, còn những lĩnh vực không cần thiết phải lập pháp mà chỉ lập quy thôi.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên lại cho rằng, việc chỉnh lý cần do Chính phủ thực hiện. Theo ông Liên thì quy trình hiện nay có sự xung đột trong vai trò của Quốc hội.
Ông Liên phân tích: khi Chính phủ làm chính sách, dự thảo luật thì Quốc hội gần như là người giám sát, cử người cho ý kiến phản biện, người đề xuất chính sách là cơ quan trình. Nhưng trình ra rồi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại trở thành người làm chính sách, giải trình trước Quốc hội.
“Quốc hội làm luật đồng nghĩa với việc Quốc hội là cơ quan duy nhất thông qua luật và kiểm tra chính sách cơ quan trình có phù hợp ý chí nguyện vọng nhân dân, có khả thi không, có đảm bảo cho sự phát triển xã hội hay không chứ không phải là Quốc hội xắn tay vào làm luật. Nếu dự thảo chưa đạt thì trả lại, giống như đi thi vậy”, ông Liên nói và cho rằng, ở thể chế một đảng như Việt Nam thì dễ xảy ra tình trạng đồng thuận xuôi chiều, nên cần phải tự tạo cơ chế cọ xát mới có thể có chính sách tốt, phù hợp.
PV/TN