Quốc hội sẽ xem xét vấn đề nhân sự tại kỳ họp khai mạc 22/5
Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc 22/5 sẽ bàn vấn đề nhân sự trong ngày làm việc đầu tiên.
Báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, ông Cường cho biết Quốc hội sẽ họp tập trung, chia theo hai đợt với tổng thời gian làm việc 22 ngày. Đợt 1 kéo dài 17 ngày (22/5-10/6); đợt 2 trong 5 ngày (19/6-23/6).
“Quốc hội họp tập trung do dịch bệnh đã được kiểm soát và để đảm bảo điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, biểu quyết các nội dung của kỳ họp”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
Ông cho hay, Quốc hội nghỉ một tuần giữa hai đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết sau khi Quốc hội thảo luận các nội dung. Việc này cũng tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết công việc ở bộ, ngành, địa phương.
Theo ông Cường, Chính phủ đề nghị bổ sung một số nội dung vào chương trình kỳ họp như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; giảm thuế VAT; bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Riêng việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ gửi tài liệu muộn nên các cơ quan của Quốc hội chưa kịp thẩm tra. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét cho ý kiến, chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp.
Ba dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bổ sung ba dự án luật này vào chương trình, kỳ họp dự kiến kéo dài thêm khoảng 5 ngày, kết thúc vào 28/6.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 dự thảo Nghị quyết thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng ý đề xuất này vì Chính phủ gửi hồ sơ quá muộn, không đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, và “không phải cứ vướng mắc là ban hành một nghị quyết mới “chạy” song song với luật (Luật Ngân sách Nhà nước)”. Ông Huệ đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ, nêu rõ “địa chỉ” thí điểm, mục tiêu và trách nhiệm các cơ quan.
“Kỳ họp thứ 5 sẽ không bổ sung thêm nội dung nào nữa. Nếu đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, trình Quốc hội việc thí điểm dùng vốn chi thường xuyên này tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm”, ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội rà soát, đưa ra thời hạn cuối cùng cho cơ quan trình, thẩm tra những nội dung vừa được bổ sung vào chương trình để đảm bảo thời gian kỳ họp thứ 5 theo kế hoạch.
Hạ Băng