Quốc hội sẽ trao quyền mạnh hơn cho Thủ tướng chống dịch Covid-19
Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng được quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm cả áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Bên lề Quốc hội chiều 24/7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với báo chí về việc bổ sung nội dung về phòng chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm ở nhiều địa phương, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, trên cơ sở ý kiến của nhiều ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo thực hiện một số nội dung.
Rút ngắn kỳ họp
Cụ thể, đó là những nội dung, giải pháp gì để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, thưa ông?
Ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch Covid 19, để bảo đảm an toàn về sức khỏe cho đại biểu, khách mời, cũng như cán bộ, phóng viên phục vụ kỳ họp, Quốc hội quyết định tiếp tục rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội xuống 3 ngày, làm việc cả Chủ nhật.
Riêng các cơ quan của Quốc hội làm thêm cả đêm với phương châm rút ngắn thời gian nhưng không ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng của kỳ họp.
Đặc biệt, để tạo khuôn khổ pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng chủ động, linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh Covid 19 với phương châm “chống dịch như chống giặc”, cần phải trao quyền của Quốc hội, cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khi ban bố tình trạng khẩn cấp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Quốc hội đã quyết định bổ sung vào chương trình làm việc tại kỳ họp này việc thông qua Nghị quyết chung, trong đó có quy định về những giải pháp về pháp luật theo hướng quyết liệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Văn phòng Quốc hội cũng bố trí phòng họp trực tuyến, phục vụ lãnh đạo các địa phương họp trực tuyến với tỉnh, thành mình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương trong thời gian kỳ họp.
Mục tiêu của những thay đổi này là để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ để chia sẻ khó khăn, chung tay góp sức phòng chống dịch; hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức buổi lễ quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.
Lời hiệu triệu của Quốc hội, gửi đến toàn dân
Vậy những giải pháp cơ bản phòng, chống dịch bệnh Covid 19 được quy định trong dự thảo của Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất là gì, thưa ông?
Nghị quyết sẽ tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đánh giá của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Thể hiện quan điểm, phương châm Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình thực hiện các giải pháp nhanh nhạy, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để tập trung khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Thứ hai, để kịp thời xử lý những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý, Quốc hội dự kiến giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch, bệnh Covid-19, bao gồm cả các biện pháp theo quy định được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật.
Việc giao thẩm quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có thời hạn và chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình và kết quả thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh Covid 19, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tư tưởng của người dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu có những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội ngoài thời gian kỳ họp, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư, Quốc hội sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường giám sát Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Nghị quyết.
Thứ năm, trong nội dung của Nghị quyết có thông điệp, lời hiệu triệu của Quốc hội, gửi đến toàn dân, toàn xã hội, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất cao, đồng lòng cùng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và các lực lượng tuyến đầu tập trung sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Việc thông qua Nghị quyết dự kiến sẽ được tiến hành theo quy trình, thủ tục như thế nào để vừa đảm bảo về mặt pháp lý cũng như chất lượng?
Đây là trường hợp đặc biệt trong tình huống cấp bách, nên việc giải quyết cũng theo trình tự rút gọn, đặc biệt. Theo đó, về cách làm, đêm 23/7, khi Chính phủ có tờ trình về nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc ngay trong đêm để thẩm tra. Nội dung này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo của một số bộ của Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào sáng nay.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt đó, chiều 24/7, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra tại hội trường làm căn cứ để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến khi thảo luận cùng với các nội dung kinh tế xã hội trong cả ngày mai.
Tại phiên bế mạc kỳ họp, dự thảo Nghị quyết sẽ đọc công khai, phát thanh, truyền hình trực tiếp tới đồng bào, cử tri cả nước trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nhằm chuyển tải đến nhân dân, cử tri cả nước thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội về quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid -19.
Thu Hằng