+
Aa
-
like
comment

Quốc hội quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020

19/06/2020 10:01

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã được hỗ trợ mà doanh nghiệp vừa có doanh thu không quá 200 tỉ đồng cũng sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. 

Với đa số phiếu tán thành, chiếm 91% tổng số đại biểu Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác đã được thông qua sáng 19-6.

Giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là nhằm hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, tăng tích lũy để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Do đó, cơ quan này xin Quốc hội cho phép không loại trừ các doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng ra khỏi đối tượng điều chỉnh của dự thảo.

Đối với đề nghị của nhiều đại biểu về việc mở rộng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa, bỏ tiêu chí lao động, cơ quan giải trình tiếp thu cũng cho rằng Nghị quyết này hướng tới các doanh nghiệp khó khăn có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động.

Quốc hội quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 - Ảnh 1.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua một số Nghị quyết của Quốc hội – Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, tiếp thu đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội, nghị quyết bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô vừa.

Theo đó, tiêu chí được giảm thuế là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng.

“Việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỉ đồng lên khoảng 23.000 tỉ đồng so với phương án Chính phủ trình”, cơ quan thẩm tra nêu.

Với một số ý kiến đề nghị kéo dài thời gian hạn hiệu lực của Nghị quyết đến hết năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đến nay dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có chiều hướng suy giảm. Việt Nam và các nước đang dần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, quyết liệt, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi.

Bên cạnh đó, việc kéo dài việc giảm thuế sẽ gây áp lực lên điều hành ngân sách qua các năm. Do đó, trường hợp kinh tế nước ta vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vào cuối năm hoặc sang đầu năm sau, nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét trình Quốc hội kéo dài thời hạn hiệu lực. Có nghĩa, với Nghị quyết này thì việc hỗ trợ giảm thuế chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm nay 2020.

Thông qua cơ chế tài chính ngân sách đặc thù với Hà Nội

Cũng trong sáng nay, với 91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Nghị quyết này nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Đối với một số ý kiến đề nghị quy định mức trần thu phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép HĐND TP được quyền quyết định mức thu cụ thể, phù hợp với thực tế nhưng phải đảm bảo nguyên tắc.

Đối với lo ngại liên quan quy định cho phép TP hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương trong ngắn hạn, vừa đẩy nhanh việc sắp xếp cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm hiệu quả, có thêm nguồn lực để xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng.

Với ý kiến đề nghị cho phép ngân sách Hà Nội hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa có cơ sở pháp lý sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các tổ chức kinh tế.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, Nghị quyết cho phép bổ sung vấn đề này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định 163/2016 để việc tổ chức thu thoái vốn từ các đơn vị trực thuộc TP quản lý được thực hiện đúng quy định.

Nghị quyết thông qua cũng cho phép Hà Nội quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước….

NGỌC AN/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều