Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng việc thành lập Bộ Thanh niên và thể thao
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thành lập Bộ Thanh niên và thể thao trong thời gian tới là giải pháp cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chiều 25-5, chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi).
Đại biểu nói thành lập bộ là cần thiết
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị trong tương lai cần nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên và thể thao trên cơ sở hệ thống tổ chức, trụ sở, ngân sách của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và đưa công tác quản lý nhà nước về thanh niên, thể thao về bộ này.
Ý kiến khác đề nghị giao công tác quản lý nhà nước về thanh niên cho một trong các bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, Giáo dục – đào tạo hoặc Lao động – thương binh và xã hội trong điều kiện chưa thành lập được Bộ Thanh niên.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật chỉ giao Chính phủ thống nhất quản lý, không quy định bộ nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thành lập Bộ Thanh niên và thể thao trong thời gian tới cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo đó, thực tiễn thi hành Luật thanh niên những năm qua cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên là do luật không quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành.
Vì vậy, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định trong dự thảo luật việc “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên”.
Thảo luận về việc này, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Cần Thơ) cho rằng việc thành lập Bộ Thanh niên và thể thao là rất cần thiết, Quốc hội cần nhanh chóng nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo việc này.
Theo bà Nghi, nghiên cứu tại một số nước, công tác thanh niên thường gắn với một bộ nào đó, ví dụ Bộ Thanh niên và thể thao. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, bà Nghi đề xuất gắn công tác thanh niên với một bộ cụ thể hiện có.
Độ tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi
Về độ tuổi thanh niên, đa số ý kiến thống nhất quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 30 tuổi. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 35 tuổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, tạo điều kiện cho công tác cán bộ Đoàn, góp phần tập hợp thanh niên và phù hợp với tuổi thọ bình quân, sức khỏe thể chất của người dân.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng 15-30 tuổi.
Cụ thể, Philippines quy định từ 15-30, Serbia từ 15-30, Thái Lan từ 18-25, Indonesia từ 16-30, Lào từ 15-30…
Mặt khác, tổng kết 10 năm thi hành Luật thanh niên 2005 cho thấy độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến 30 phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên, với vai trò của tầng lớp thanh niên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật trẻ em. Mặt khác, qua rà soát cho thấy quy định của dự thảo luật không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị giữ quy định “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”.
TIẾN LONG/TT