+
Aa
-
like
comment

Quốc hội thông qua nghị quyết làm dự án sân bay Long Thành

Tùng Lâm - 26/11/2019 16:12

Chiều 26.11, với 435/455 đại biểu tán thành (chiếm 90.06%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. 

Điểm đáng chú ý trong nghị quyết là không có nội dung đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án như báo cáo nghiên cứu khả thi Chính phủ trình Quốc hội trước đó.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Trước khi đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ông Vũ Hồng Thanh – Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  – đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Theo báo cáo, có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ trong việc lựa chọn nhà đầu tư dự án. Ý  kiến khác đề nghị giao doanh nghiệp nhà nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm là nhà đầu tư do yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và đặc thù của công trình cảng hàng không quốc tế.

Cũng có đại biểu đề nghị đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh.

Có đại biểu cho rằng Quốc hội nên xem xét đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng như quốc phòng, an ninh, tính đồng bộ trong khai thác, lợi ích quốc gia và năng lực nhà đầu tư để Chính phủ thực hiện.

Về những nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Với quan điểm này, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua quy định: “Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự”.

Phối cảnh dự án CHK quốc tế Long Thành

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, phải bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đồng thời với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.

Do đó, dự thảo nghị quyết quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về hàng không dân dụng, sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án.

Đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành với những điểu chỉnh, chỉnh lý nên trên. 90.06% đại biểu biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội thông qua.

Trước đó, theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 khoảng 4,779 tỉ USD (khoảng hơn 114.000 tỉ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.

Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này để “đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án”.

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nghi ngờ năng lực tài chính của ACV và nếu giao đơn vị này đầu tư sẽ ảnh hưởng tới nợ công. Không ít ý kiến cũng cho rằng, theo quy định pháp luật về đấu thầu, việc lựa chọn hình thức đầu tư (giao cho ACV hay đấu thầu cạnh tranh) thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên Quốc hội không cần cho ý kiến về nội dung này.

Bài mới
Đọc nhiều