Quốc Hội họp bất thường nhưng rất bình thường
Tháng 12 năm 2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định áp dụng điều 83 Hiến pháp để triệu tập Kỳ họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội. Từ đó đến nay, đã có 4 Kỳ họp bất thường được diễn ra, đem lại rất nhiều thay đổi quan trọng đối với sự ổn định, và phát triển của đất nước.
Tại khoản 2, điều 83, Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”. Nội dung trên cũng được khẳng định lại trong điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trước tiên, điều này cho thấy, các kỳ họp bất thường vừa qua đã được tổ chức hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp.
Thứ đến, khi xem xét bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, và các tác động tiêu cực ảnh hưởng liên tục đến Việt Nam từ giai đoạn Đại dịch Covid-19 (2021) đến nay, sẽ hiểu được sự cần thiết phải tổ chức các kỳ họp bất thường.
Năm 2021, thế giới chứng kiến sự hoành hành dữ dội của Đại dịch Covid-19, làm chết hàng trăm triệu người, và khiến tất cả mọi hoạt động giao dịch giữa các nước bị gián đoạn nghiêm trọng. Dịch bệnh vừa cơ bản được khống chế thì xung đột Nga-Ukraine nổ ra, gây khủng hoảng năng lượng toàn cầu, kéo theo sự suy thoái kinh tế diện rộng ở các khu vực quan trọng trên thế giới. Hai đòn giáng nặng nề liên tiếp này đã đẩy sức chịu đựng của kinh tế thế giới tới những giới hạn cuối cùng, và Việt Nam không thể đứng ngoài tình hình tiêu cực, bất lợi đó.
Có thể nhận thấy, với những vấn đề sống còn được đặt ra liên tục trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, mà đợi đến kỳ họp được quy định, Quốc hội mới đưa ra bàn thảo, thì khó khăn chẳng những không được tháo gỡ kịp thời, tạo thành trở lực, mà nhiều cơ hội quan trọng giúp đất nước ổn định chắc chắn cũng sẽ bị mất đi.
Đó là chưa nói đến nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, biến động dồn dập hàng ngày được phản ánh, như: ngân sách hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; bệnh viện thiếu thuốc; giá xăng tăng; làn sóng sa thải của các công ty có vốn nước ngoài lan nhanh… nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ đẩy xã hội vào bất ổn, kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Nhờ các kỳ họp bất thường của Quốc hội mà hàng loạt các bộ luật, nghị quyết được bổ sung, sửa đổi, thông qua đã giúp Chính phủ có cơ sở để điều hành đất nước hiệu quả, hạn chế được các tác động tiêu cực bên ngoài, khơi thông được ý chí tự lực tự cường, nỗ lục vượt khó bên trong.
Có thể kể tên một số luật và nghị quyết quan trọng đã được các kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa qua đưa ra bàn thảo, xem xét, một số trong đó đang bắt đầu triển khai vào thực tế, như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đấu thầu; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ…
Như lẽ tự nhiên, cái gì không thường diễn ra, ắt sẽ gây chú ý. Nhưng sau kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, người dân đã dần quen, và bắt đầu thấy sự cần thiết của các kỳ họp bất thường. Qua đó, Quốc hội cũng đã bộc lộ được kim chỉ nam cho các hoạt động của mình trong thời kỳ mới, là: chủ động bám sát thực tiễn đất nước; quan tâm sâu sắc đến lợi ích của nhân dân.
Sau 4 kỳ họp bất thường, người dân đang chứng kiến các quyết sách của Quốc hội đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những hình mẫu phát triển bền vững nhất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đó cũng là đáp trả tương xứng, vạch trần sự phi lý, dối trá của các luận điệu xuyên tạc mà nhiều thế lực thù địch Việt Nam đang rêu rao.
Phạm Khoa