+
Aa
-
like
comment

Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp ứng phó với vấn đề phát sinh ở Biển Đông

11/11/2019 14:24

Quốc hội đề nghị Chính phủ kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích Quốc gia và lợi ích của người dân trên Biển Đông.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp ứng phó với vấn đề phát sinh ở Biển Đông

Quốc hội giao Chính phủ đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước

Với 88,2% đại biểu biểu quyết tán thành, sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Nghị quyết nêu rõ một số mục tiêu tổng quát, trong đó tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nghị quyết của Quốc hội khẳng định việc giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo Quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của Quốc gia trên trường quốc tế.

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong 11 nhiệm vụ, giải pháp đó, Quốc hội nhấn mạnh Chính phủ cần tập trung giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp ứng phó với vấn đề phát sinh ở Biển Đông - Ảnh 1.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc – Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông và ngập úng tại Hà Nội và TP.HCM và một số TP khác; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác quản lý đất đai; rà soát thực trạng, xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.

Nghị quyết cũng lưu ý việc kết hợp công tác bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế – xã hội.

Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; đề cao trách nhiệm của DN và người dân; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường; từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn; bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân; rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số dòng sông lớn, báo cáo QH tại Kỳ họp thứ 9.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách tiền lương.

Cùng với đó nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi công vụ, trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động theo dõi sát tình hình thế giới và khu vực để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh, nhất là trên Biển Đông; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích Quốc gia và lợi ích của người dân trên biển; thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

12 chỉ tiêu chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020

GDP tăng khoảng 6,8%; CPI dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; Tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

(Theo Soha News)

Bài mới
Đọc nhiều