Quốc gia ở Đông Nam Á không hoảng sợ trước biến chủng Omicron
Theo giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Duke-NUS, cho rằng: “Tôi nghi ngờ rằng biến chủng Omicron đã lan rộng đến nhiều nơi mà chưa bị phát hiện. Nếu Omicron có khả năng lây lan như Delta, thì việc đóng cửa biên giới sẽ chỉ làm trì hoãn sự xâm nhập của virus, chứ không thể ngăn chặn”.
Thay vì đóng cửa lại biên giới như Nhật Bản và Israel vì những lo ngại liên quan đến biến chủng Omicron, Singapore vẫn mở cửa khẩu cho những người đã được tiêm chủng đến từ một số quốc gia nhất định, theo Bloomberg.
Họ chọn cách tăng cường xét nghiệm cho hành khách và tạm dừng nới lỏng hơn nữa các quy tắc xã hội và di chuyển liên quan đến Covid-19.
Các chuyên gia cho biết chìa khóa giúp Singapore có thể tránh khỏi việc thực thi các biện pháp hạn chế quyết liệt là tỷ lệ tiêm chủng cao, nỗ lực bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe và tốc độ mở cửa trở lại từ từ, có tính toán cẩn thận.
“Không cần thiết đóng cửa”
Singapore đã chuyển sang chiến lược sống chung với virus khi biến chủng Delta dễ lây lan cho thấy việc loại bỏ hoàn toàn Covid-19 là điều không thể. Đây là một trong những quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên xoay trục chính sách đối phó với Covid-19 từ đưa số ca nhiễm về 0 sang sống chung với virus.
Ooi Eng Eong, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Duke-NUS, cho rằng: “Việc đóng cửa biên giới, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, là không cần thiết. Tôi nghi ngờ rằng biến chủng Omicron đã lan rộng đến nhiều nơi mà chưa bị phát hiện. Nếu Omicron có khả năng lây lan như Delta, thì việc đóng cửa biên giới sẽ chỉ làm trì hoãn sự xâm nhập của virus, chứ không thể ngăn chặn”.
Ông Ooi nói thêm rằng tiêm phòng vẫn là cách bảo vệ tốt nhất, bởi vì ngay cả khi hiệu quả chống lại việc nhiễm biến chủng Omicron bị giảm đi, thì vaccine vẫn có khả năng ngăn ngừa triệu chứng bệnh nặng.
Với hơn 85% dân số được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm mới khác, Singapore gần đây đã cho phép tụ tập theo nhóm trên 5 người.
Nước này cũng từng bước mở rộng danh sách quốc gia được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh lo ngại về biến chủng mới, họ đã trì hoãn đưa thêm Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia vào danh sách.
Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Mount Elizabeth Novena của Singapore, cho biết: “Quyết định có đóng cửa hay không còn phụ thuộc vào sức chứa của bệnh viện, và các cơ sở điều trị Covid-19 đã mở rộng khả năng tiếp nhận bệnh nhân rất nhiều”.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, Singapore sẽ có thể chống chọi với biến chủng mới tương đối tốt, dựa trên kinh nghiệm của Bồ Đào Nha – nơi biến chủng Omicron đã xuất hiện, ông Leong nói.
“Cần học cách sống chung với Omicron”
Ashley St. John, phó giáo sư miễn dịch học tại Trường Y Duke-NUS, cho biết: “Chưa có bằng chứng nào cho thấy biến chủng này gây hoang mang hay đòi hỏi các biện pháp khác để quản lý và ngăn chặn”.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng: “Việc hy vọng rằng có thể dễ dàng chữa trị cho người nhiễm chủng Omicron là điều không thực tế. Biến chủng này có khả năng lây lan đáng kể trên thế giới, bất chấp nhiều biện pháp bao gồm xét nghiệm và hạn chế di chuyển”.
Các vấn đề xung quanh biến chủng Omicron vẫn chưa được hiểu rõ, và Singapore đã báo hiệu rằng họ sẽ thắt chặt hơn các biện pháp nếu cần.
Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết nếu biến chủng mới nguy hiểm hơn những biến chủng cũ thì cuộc chiến với đại dịch có thể vấp phải những thất bại đáng kể, nhưng nếu nó chỉ lây lan dễ hơn và ít gây triệu chứng nặng hơn, thì đó là “sự phát triển tích cực”.
“Chúng ta sẽ tiến đến chung sống với Covid-19”, ông viết trên Facebook.
Ông cho biết: “Trong thời gian chờ đợi, chúng ta nên có cách tiếp cận thận trọng và thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với Omicron, không để biến chủng này tự hình thành trong cộng đồng của chúng ta, trong khi tìm hiểu kỹ hơn về nó”.
“Khi chúng ta hiểu rõ, tôi tin rằng chúng ta sẽ học được cách sống chung với biến chủng Omicron, giống như học cách sống chung với biến chủng Delta”.
Minh Ngọc