+
Aa
-
like
comment

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân “ăn nên làm ra”, vì sao chính phủ vẫn “lo ngay ngáy”?

Sơn Ca - 18/09/2020 08:09

Một số ý kiến tranh luận rằng cựu Tổng thống Maldives “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc vay tiền Trung Quốc vào thời điểm đó, theo BBC.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân "ăn nên làm ra", vì sao chính phủ vẫn "lo ngay ngáy"?
Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân “ăn nên làm ra”, vì sao chính phủ vẫn “lo ngay ngáy”?

“Cây cầu thịnh vượng”

Trong nhiều năm liền, Aminat Waheeda đã phải lái chiếc xe taxi của mình trên những con đường ùn tắc và ngõ hẻm chật hẹp để kiếm khách. Nơi cô có thể kiếm được số tiền hậu hĩnh nhất – sân bay – thì lại ở quá xa.

Sân bay gần nhất so với thủ đô Malé của Maldives nằm trên một hòn đảo khác, và để đến được nơi này, người ta phải di chuyển bằng tàu cao tốc, theo hãng tin BBC (Anh). Tuy nhiên tất cả những điều này đã thay đổi vào năm 2018, và cuộc sống của Waheeda cũng vậy. Thu nhập của người mẹ đơn thân này đã được cải thiện nhờ một cây cầu dài 2,1km có 4 làn đường.

Chính phủ Maldives đã vay 200 triệu USD từ Bắc Kinh để xây dựng công trình này. Nhờ có cây cầu, những tài xế taxi ở Malé giờ đây có thể đi đón khách trực tiếp ở cửa sân bay.

“Sau khi cây cầu được xây dựng, giao thông đã trở nên thuận tiện hơn nhiều với tất cả mọi người. Nó đã giúp những tài xế như tôi kiếm được nhiều tiền hơn”, Waheeda nói.

Quả thực, thu nhập của Waheeda đã tăng lên gấp đôi kể từ khi có cây cầu ấy.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 1.
Amina Waheeda cho biết thu nhập của cô đã tăng lên đáng kể sau khi cây cầu được xây dựng Ảnh: ANBARASAN ETHIRAJAN/BBC

Đây là cây cầu nối đảo đầu tiên được xây dựng trong quần đảo Maldives. Theo sau công trình này là sự phát triển nhanh chóng về thương mại và bất động sản trên đảo Hulumale, nơi sân bay tọa lạc. Cây cầu cũng giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường ở thủ đô Malé, nơi có 140.000 người sinh sống.

Đất nước nhỏ bé, khoản nợ khổng lồ

Theo BBC, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển thường bị chỉ trích, nhưng cây cầu Sinamale – hay cầu Hữu nghị Trung Quốc-Maldives – có thể được coi là một thành công thực sự.

Thế nhưng, chính quyền Maldives đương nhiệm lại không có suy nghĩ như vậy. Thay vào đó, giới chức nước này lại đang “lo ngay ngáy” về khoản nợ khổng lồ mà họ nợ Trung Quốc.

Cầu Sinamale là một trong những dự án lớn được xây dựng dưới thời cựu Tổng thống Abdullah Yameen, một người có quan điểm thân Trung Quốc đã đắc cử vào năm 2013. Với mong muốn vực dậy nền kinh tế, ông Yameen đã vay hàng trăm triệu USD để thực hiện các dự án này.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 2.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen. Ảnh: GETTY IMAGES

Vào thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường để xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển nối Trung Quốc với phần còn lại của châu Á và thậm chí xa hơn thế nữa.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2018, chỉ vài tuần sau khi cây cầu Sinamale được khánh thành và đi vào hoạt động, ông Yameen đã bất ngờ bị đối thủ đến từ đảng Dân chủ Maldives, ông Ibrahim Solih đánh bại. Ông Solih hiện là Tổng thống đương nhiệm của Maldives.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 3.
Lĩnh vực bất động sản “nở rộ” ở Hulumale. Ảnh: ANBARASAN ETHIRAJAN/BBC

Tân chính quyền của Maldives đã ngay lập tức rà soát tài chính của nước này. Họ đã sốc khi phát hiện ra khoản nợ khổng lồ từ thời chính quyền ông Yameen.

“Khoản tiền [Maldives nợ Trung Quốc] là 3,1 tỉ USD”, ông Mohamed Nasheed, cựu Tổng thống Maldives, hiện là Chủ tịch Hạ viện của nước này, cho biết. Con số này bao gồm các khoản nợ công trực tiếp của chính phủ, các khoản nợ của công ty quốc doanh và thành phần tư nhân được chính phủ Maldives đảm bảo.

Ông Nasheed lo ngại rằng Maldives đang bước vào một “bẫy nợ”: “Liệu chúng ta có thu lại được đủ số tiền trả nợ từ những công trình này hay không? Kế hoạch kinh doanh của tất cả những dự án đó đều cho thấy chúng không thể làm được điều đó”.

Theo ông Nasheed, chi phí của các dự án này đã bị thổi phồng, và số tiền nợ được ghi trên giấy tờ lớn hơn nhiều so với khoản tiền thực nhận là 1,1 tỉ USD, dù ông này không cung cấp bằng chứng văn bản cho lập luận của mình.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 4.
Ông Mohamed Nasheed, cựu Tổng thống Maldives, hiện là Chủ tịch Hạ viện của nước này. Ảnh: GETTY IMAGES

Các cựu quan chức Maldives và đại diện của Trung Quốc cũng đã chỉ ra những sai sót trong thống kê của ông Nasheed. Họ ước tính khoản tiền Malé nợ Trung Quốc nằm trong khoảng từ 1,1 tỉ USD – 1,4 tỉ USD. Mặc dù vậy, đây vẫn là một số tiền khổng lồ đối với một quốc gia bé nhỏ như Maldives.

GDP của Maldives là khoảng 4,9 tỉ USD/năm, và nếu con số của ông Nasheed là chính xác, thì số tiền nước này nợ Trung Quốc chiếm hơn 1 nửa GDP hàng năm. Nếu kinh tế suy giảm, Maldives sẽ khó trả được nợ vào năm 2022-2023.

Nếu Maldives tuyên bố vỡ nợ, thì ông Nasheed lo ngại rằng nước này sẽ chịu chung số phận với quốc gia lân cận Sri Lanka – nước này cũng đã vay Trung Quốc hàng tỉ USD để tái thiết sau cuộc nội chiến.

Trong số các dự án cơ sở hạ tầng, chính quyền Sri Lanka đã chi gần 1,5 tỉ USD để xây dựng một cảng ở Hambantota. Nhưng chỉ trong vòng vài năm sau đó, Sri Lanka đã nhận thấy công trình này không thể sinh lời, và chính quyền Colombo đã phải tuyên bố không thể trả nợ đúng hạn.

Theo thỏa thuận mới giữa hai nước, Sri Lanka đã phải cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm, kể từ năm 2017, để “gán nợ”.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 5.
Cảng Hambantota tại Sri Lanka. Ảnh: BBC

Đối với Trung Quốc, cảng Hambantota là một tài sản chiến lược có giá trị, nằm trên tuyến đường vận chuyển trên biển đông đúc nhất ở Ấn Độ Dương, và nơi này cũng chỉ cách bờ biển phía Nam của Ấn Độ – đối thủ của Trung Quốc – vài trăm km.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc về những thỏa thuận cơ sở hạ tầng mà ông cho là “được dùng để đổi lấy ảnh hưởng chính trị”, nằm trong chiến lược “ngoại giao bẫy nợ”.

Bắc Kinh đã bác bỏ bình luận này, và nói rằng phát biểu của ông Pompeo là “vô trách nhiệm”.

Phản ứng của Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, Đại sứ Trung Quốc tại Maldives, ông Zhang Lizhong, cũng đã lên án những cáo buộc cho rằng Maldives rơi vào bẫy nợ là “tưởng tượng”.

“Trung Quốc không bao giờ áp đặt các yêu cầu bổ sung mà đối phương không chấp nhận hoặc đi ngược lại mong muốn của đối phương, cho dù đó là Maldives hay bất cứ quốc gia đang phát triển nào khác”, ông Zhang khẳng định.

Ông này cũng nói rằng con số 3 tỉ USD mà ông Nasheed đưa ra là “phóng đại quá mức”.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 6.
Kinh tế Maldives phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch. Ảnh: GETTY IMAGES Image caption

Maldives không chỉ là một điểm đến du lịch nổi tiếng với cảnh sắc tuyệt đẹp, mà quần đảo này còn có vị trí chiến lược khi có các đảo ở vùng phía Bắc Ấn Độ Dương. Hàng chục ngàn tàu chở dầu và tàu hàng thường xuyên đi qua tuyến đường này.

Ấn Độ và Trung Quốc đã tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này trong nhiều năm qua.

Một số ý kiến tranh luận rằng một vài dự án cơ sở hạ tầng lớn, như việc mở rộng sân bay, được xây dựng bằng khoản tiền vay từ Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Yameen, thực sự đã thu hút thêm nhiều du khách đến với Maldives. Những người này tin rằng việc vay tiền từ những quốc gia khác sẽ khó khăn hơn nhiều so với Trung Quốc.

“Tôi cho rằng vào thời điểm đó [ông Yameen] không còn lựa chọn nào khác”, ông Ali Hashim, người đứng đầu ngân hàng trung ương của Maldives nhận định.

Năm ngoái, Maldives đã thu hút số lượng khách du lịch kỷ lục – 1,7 triệu lượt người, thu về hơn 2 tỉ USD. Tuy nhiên, yếu tố tạo nên sự thành công này không chỉ là các dự án cơ sở hạ tầng, mà còn nhờ chính sách mở cửa và nới lỏng cho các khoản đầu tư nước ngoài của tân chính quyền Maldives đã thu được hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Nasheed bày tỏ lo ngại rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc để xây khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên các đảo của Maldives sẽ là “bước đệm” để Trung Quốc “thâu tóm” các đảo này, do các đối tác Maldives thường không có đủ tiềm lực kinh tế cho những thương vụ như vậy.

Đại sứ Zhang cũng đã bác bỏ lo ngại này, và nói rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc hoàn toàn chỉ mang tính chất thương mại.

Quốc gia nhỏ bé vay tiền Trung Quốc: Người dân ăn nên làm ra, vì sao chính phủ vẫn lo ngay ngáy? - Ảnh 8.
Cầu Sinamale. Ảnh: ANBARASAN ETHIRAJAN/BBC

Maldives không phải quốc gia duy nhất đang lo lắng

Mặc dù vậy, Maldives không phải là quốc gia duy nhất lo ngại về khoản tiền nợ Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang xem xét lại các dự án lớn trong sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Năm ngoái, sau đợt thay đổi chính quyền, Malaysia đã đàm phán lại với Trung Quốc về dự án đường sắt, và giảm chi phí xuống còn 11 tỉ USD – 1/3 so với chi phí dự tính ban đầu.

Năm 2018, do lo ngại về viễn cảnh không thể trả nợ, Myanmar đã cân nhắc lại một dự án cảng nước sâu trị giá hàng tỉ USD do Trung Quốc cho vay vốn xây dựng, và đã thoải thuận để giảm chi phí xuống còn 3/4 so với con số ban đầu.

Tuy nhiên, so với Malaysia và Myanmar, Maldives hiện đang ở “thế yếu” hơn.

Maldives phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch – lĩnh vực bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề. Đến cuối tháng 6 vừa qua, số lượt khách du lịch đến nước này đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính nước này có thể sẽ mất hơn 700 triệu USD – hơn 1/3 doanh thu từ ngành du lịch trong năm nay, nếu như dịch bệnh còn kéo dài.

Các quan chức Maldives cho biết Bắc Kinh đã đồng ý trì hoãn thời hạn trả nợ một phần do tình hình dịch bệnh, nhưng khoản nợ này vẫn sẽ tiếp tục là “gánh nặng” đối với Maldives trong tương lai.

Bài mới
Đọc nhiều