+
Aa
-
like
comment

Việt Nam, đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á?

Bảo Trâm - 23/06/2022 10:45

Trang Washington Post vừa đăng tải bài viết của bà Freund Larus, Giáo sư Khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế Đại học Mary Washington, trong đó phân tích rõ tầm quan trọng chiến lược tại khu vực Đông Nam Á đối với Mỹ. Qua đó đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ trong thời đại mới.

Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo Giáo sư Freund Larus, từ lâu Mỹ đã nhận thấy ASEAN chính là mảnh đất màu mỡ mà Mỹ cần tiếp cận nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, chính trị toàn cầu. Đặc biệt, việc hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp đã cho thấy các nhà lãnh đạo của cả ASEAN và Mỹ đều nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của cả hai bên trong việc đảm bảo lợi ích chung cũng như củng cố quan hệ song phương.

Theo đó, các nước ASEAN từ xưa đến nay luôn muốn duy trì chính sách đối ngoại cân bằng với Mỹ, nhằm thắt chặt kinh tế và ổn định chính trị. Về phần mình, Mỹ vẫn nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN và hiện đang ngày càng chú trọng đến lĩnh vực kinh tế.

Những năm gần đây, Mỹ liên tục khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các nước trong ASEAN, trong đó coi Việt Nam là một ưu tiên.

Freund Larus, Giáo sư Khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế Đại học Mary Washington

Giáo sư Freund Larus cho rằng hiện Mỹ và các nước thành viên ASEAN đều đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, điều này mở ra cơ hội về triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, đại dịch một lần nữa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Đặc biệt là khi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước thành viên ASEAN đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi mức thu nhập ở Trung Quốc tăng lên, khiến giá nhân công tăng. Xu hướng này tiếp tục mở rộng nhanh chóng những năm gần đây.

Chuyên gia Freund Larus nhấn mạnh trong số các quốc gia nổi lên về thu hút đầu tư, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Á.

Thu hút FDI cũng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững

Việc Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, chi phí sản xuất và kinh doanh có tính cạnh tranh cao, cũng như việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do và môi trường đầu tư ngày càng rộng mở đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng đối với những nhà đầu tư Mỹ đang nỗ lực giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Đây chính là sự thuận lợi trong hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, nhất là trong bối cảnh hai bên đều trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, Giáo sư Freund Larus còn đặc biệt nhấn mạnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ có vai trò quan trọng trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.

Thông qua hội nghị, Mỹ thể hiện định hướng chính sách theo hướng coi trọng hợp tác với các đồng minh, đối tác, bao gồm cả các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành nhà máy nước ngoài tại Bình Phước

Bà Freund Larus nêu rõ trong số những đối tác tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu.

Đánh giá về triển vọng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới đây, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế khi Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá là một điểm đến an toàn, thân thiện, duy trì được tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, Giáo sư Freund Larus cho rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn khi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm qua.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ như chi phí nhân công thấp, tính bảo mật cá nhân cao, người dân Việt Nam có đánh giá tích cực về Mỹ, chính phủ và hệ thống chính trị ổn định.

Gần đây, khi nói về việc thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt nhấn mạnh quan điểm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên.

Nhân công giá rẻ là một trong những lợi thế giúp thu hút FDI tại Việt Nam

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đổi số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, để người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Theo giáo sư Freund Larus, trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều khủng hoảng, Việt Nam đã và sẽ còn là một phần quan trọng đối với Mỹ, giúp cả Mỹ và Việt Nam cùng phát triển trong thời đại mới.

Bảo Trâm (Theo Washington Post)

Bài mới
Đọc nhiều